
Ra đời vào năm 1993, loại hình trường đại học, cao đẳng bán công (BC) trở thành 1 trong 4 loại hình trường đại học, cao đẳng được Luật Giáo dục công nhận, gồm: trường công lập, trường bán công, trường dân lập và trường tư thục. Tuy nhiên, do chưa phân định rõ ràng giữa công và tư, tài sản của các trường bán công chưa được định giá cũng như chưa có sự huy động vốn từ khu vực tư nhân nên suốt 10 năm qua, mô hình bán công đang rơi vào tình trạng “có sinh không dưỡng”...
- Nhập nhèm “công-tư”

ĐH bán công Tôn Đức Thắng là trường không có vốn của tư nhân.
Do quy chế hoạt động, định hướng chưa rõ ràng dẫn đến sự nhập nhèm giữa “công và tư” là bức xúc nổi cộm nhất ở 6 trường cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) đang hoạt động theo mô hình trường bán công. PGS-TS Lê Bảo Lâm, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở BC TPHCM cho biết đây là trường ĐH Mở đầu tiên hoạt động theo mô hình trường BC nhưng thực chất là trường công lập vì chỉ có sở hữu nhà nước (chiếm 100%), các quy định về quản lý đào tạo vẫn được áp dụng chung với các trường công lập.
Tuy nhiên, dù là trường công nhưng hơn 10 năm qua, ĐH Mở BC không được nhà nước đầu tư chút nào, trừ những khoản đầu tư ban đầu khi mới thành lập trường. Trường cũng không được cấp ngân sách hoạt động trong khi tỷ lệ đầu tư từ nguồn ngân sách cho các trường đại học công lập chiếm trên 50% nguồn thu của các trường.
Cũng là trường BC nhưng ĐH BC Tôn Đức Thắng là trường không có vốn của tư nhân, quản lý tài chính theo mô hình trường công. Tuy nhiên, theo TS Lê Vinh Danh, phó hiệu trưởng của trường, thì với tình trạng “công – tư” nhập nhèm như hiện nay, các trường BC thường bị “phân biệt đối xử” như những trường ngoài công lập. TS Danh lấy ngay dẫn chứng ở trường mình, một giảng viên thi đỗ chương trình du học nước ngoài theo Đề án 322, Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ GD-ĐT đồng ý nhưng sang Vụ ĐH thì lại gạt ra với giải thích: không phải là đối tượng hưởng lương từ ngân sách. “Ngay trong một bộ, cách hành xử đối với trường BC giữa các vụ chức năng đã khác nhau nhiều”, TS Danh kết luận.
- Mô hình BC đã hết “vai trò lịch sử” ?
Hiệu trưởng Trường CĐ Bán công Hoa Sen (TP Hồ Chí Minh) Bùi Trân Phượng cho biết khi giao dịch với đối tác nước ngoài, bà không biết phải giải thích mô hình trường “bán công” như thế nào vì trên thế giới, chỉ tồn tại 2 loại hình là công lập và tư thục. Vấn đề đặt ra: mô hình trường BC sẽ phải chuyển đổi như thế nào để giải quyết tình trạng nhập nhèm “công –tư” đang tồn tại hiện nay. Vẫn theo bà Bùi Trân Phượng, cách duy nhất hiện nay là chấm dứt hoạt động của mô hình BC vì sự hợp tác không rõ ràng giữa nhà nước và tư nhân dễ dẫn đến sự lạm dụng từ hai phía.
Mặt khác, chấm dứt mô hình hoạt động của mô hình BC sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các trường ngoài công lập. TS Lê Vinh Danh cho rằng, khi nào “định danh” được trường BC thì mới có thể thu hút được nguồn vốn của tư nhân vào xã hội hóa giáo dục. Và để “định danh” được mô hình trường này thì chỉ nên có 2 loại hình trường duy nhất trong hệ thống giáo dục quốc gia là trường công và trường tư. “Những trường BC nào có yếu tố tư nhân hoặc muốn chuyển sang tư nhân, Bộ cần tạo điều kiện cho họ chuyển. Những trường còn lại cần chuyển sang loại hình công lập bình thường”, TS Danh đề nghị.
VIỆT LAN
Cả nước có 6 trường CĐ, ĐH bán công: ĐH Mở Bán công TP Hồ Chí Minh, ĐH Bán công Maketing, ĐH Bán công Tôn Đức Thắng, CĐ Bán công Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp, CĐ Bán công Hoa Sen, CĐ bán công Quản trị kinh doanh. |