Mô hình VNEN và những nụ cười tự tin

Học sinh mạnh dạn, tự tin hơn
Mô hình VNEN và những nụ cười tự tin

Nhờ áp dụng mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) ở các trường tiểu học, kể cả vùng sâu, vùng xa, những học sinh nhút nhát nhất cũng tự tin phát biểu, trình bày suy nghĩ, dám nói những điều mình thích.

Học sinh mạnh dạn, tự tin hơn

Giờ học môn tiếng Việt ở lớp 2C Trường Tiểu học Đa Thành ở vùng ven TP Đà Lạt khác với những lớp học truyền thống. Học sinh chia thành từng nhóm, trao đổi thảo luận vừa đủ nghe về nội dung, chủ đề bài học. Nhóm trưởng - người điều hành tỏ ra chững chạc, thể hiện vai trò thủ lĩnh, còn những cánh tay nhỏ thì giơ lên xin phát biểu đầy tự tin. Lớp học có gần 40 em nhưng trật tự, giáo viên chủ nhiệm quan sát và chỉ can thiệp khi nhóm nào đó bất đồng chính kiến, chưa biết cách giải quyết vấn đề đặt ra.

Cô Bùi Thị Kim Dung, chủ nhiệm lớp 2C, cho biết: “Ban đầu triển khai mô hình VNEN, chúng tôi mất khá nhiều thời gian hướng dẫn các em cách học mới, chủ động nghiên cứu kiến thức và tìm kiếm thêm tư liệu bổ sung vào bài học. Nhưng khi các em đã thích nghi rồi thì mọi việc nhẹ nhàng, đơn giản hơn. Học sinh có ý thức, tự giác học bài và các kỹ năng thực hành, trình bày, thuyết trình trước nhóm đều nâng cao hơn. Để tăng khả năng thực hành, ứng dụng những kiến thức đã học tại lớp, giáo viên phải trao đổi với phụ huynh để hỗ trợ các em…”.

Cô và trò Trường Tiểu học Đa Thành trong giờ học theo mô hình VNEN.

Quan sát lớp học thuộc các khối khác nhau, chúng tôi nhận thấy không khí học tập nhẹ nhàng, không căng thẳng như cách dạy truyền thống, học sinh ngồi cứng nhắc theo dãy bàn xếp dọc và thầy chăm chú đọc, còn trò cặm cụi ghi chép. Những biểu tượng mặt cười được cắm giữa bàn học đã khuyến khích các em tư duy độc lập, trình bày chính kiến, suy nghĩ của mình. Và mỗi khi cờ mặt cười được cắm lên thì những nụ cười trẻ thơ bừng sáng trên những khuôn mặt khát khao học chữ, khám phá thế giới xung quanh.

Từ năm 2012 - 2013, Trường Tiểu học Đa Thành bắt đầu áp dụng mô hình VNEN cho khối lớp 2 - 3 và đến nay đã phủ kín đến lớp 5.

Theo nhận định của cô Lê Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng nhà trường, chất lượng giáo dục được cải thiện hơn và cái được lớn nhất là học sinh tự tin, năng động, các kỹ năng tự học, tự giác hoàn thiện dần. Cái được khác là trình độ, kỹ năng sư phạm của giáo viên cũng được nâng cao, biết cách hướng dẫn học sinh cách học mới, năng động, sáng tạo. Hơn nữa, mô hình cộng đồng theo dự án này được áp dụng không chỉ trong lớp học, giờ ngoại khóa mà còn gắn kết giữa nhà trường với phụ huynh và giữa giáo viên với học sinh. Không chỉ tham gia sinh hoạt tập thể cùng con em của mình, các phụ huynh còn hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần cho lớp học.

Nhờ vậy, mô hình VNEN mới thực sự lan tỏa, đạt được mục đích đặt ra là đổi mới phương pháp dạy học - lấy học sinh làm trung tâm, hình thành năng lực, phẩm chất người học từ những năm học đầu tiên.

Nhẹ nhàng với việc đánh giá

Theo giáo viên chủ nhiệm thuộc các khối lớp của trường, sự thân thiện được hình thành từ mô hình VNEN và học sinh ít còn tâm lý e ngại, sợ bị giáo viên truy vấn kiến thức đã học. Không những vậy, các em còn mạnh dạn hỏi những điều chưa biết, chưa hiểu và sẵn sàng trao đổi với bạn bè, thầy cô. Đặc biệt ở hai lớp ghép - dành cho khoảng 40 học sinh thiểu số người K’Ho có sự thay đổi đáng ghi nhận. Từ chỗ nhút nhát, e ngại giao tiếp, các em dần mạnh dạn, tự tin trao đổi về kiến thức bài học lẫn suy nghĩ, cảm nhận về cuộc sống xung quanh với bạn bè, thầy cô.

Ông Nguyễn Kim Long, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng cho biết, Trường Tiểu học Đa Thành không phải là trường có điều kiện thuận lợi song đã áp dụng thành công mô hình VNEN, tạo được môi trường học tập thân thiện, học sinh tự tin, năng động. Hiện nay, mô hình này được nhân rộng ở 18 trường tiểu học trong toàn tỉnh và tiếp tục có thêm nhiều trường đủ điều kiện sẽ tham gia dự án VNEN. Từ cách dạy, học sáng tạo kết hợp với công nghệ giáo dục đang thí điểm ở lớp 1, các trường tiểu học đều có thuận lợi khi triển khai Thông tư 30 đánh giá học sinh bằng nhận xét.

Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, việc mở rộng mô hình giáo dục mới - tiên tiến theo tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục, trong đó chú trọng phát triển năng lực, kỹ năng, phẩm chất của người học sẽ làm tiền đề để thực hiện chương trình dạy tích hợp, liên môn sau này. Tiếp theo thành công của mô hình này, năm học 2014 - 2015, sẽ triển khai thí điểm ở cấp THCS tại 6 tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Khánh Hòa, Đắk Lắk và Kon Tum. Khi đã làm quen với phương pháp dạy học tích cực, tiên tiến thì giáo viên sẽ thích ứng nhanh với yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa sắp triển khai.

Việc dạy học theo nhóm sẽ giúp học sinh phát triển năng lực, sở trường, chủ động nghiên cứu kiến thức, tìm tòi tư liệu và biết cách giải quyết những vấn đề đặt ra từ cuộc sống. Đây chính là mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, trong đó dạy học sinh những kiến thức cần biết để thực hành, thích ứng và hội nhập nhanh với môi trường lao động cạnh tranh cao, đòi hỏi nhiều kỹ năng thực hành, sáng tạo ở thế kỷ 21.

Hiện nay, mô hình VNEN đã triển khai ở 2.508 trường học tại 63 tỉnh, TP với 746.000 học sinh tiểu học. VNEN đã thay đổi căn bản hoạt động giáo dục ở trường tiểu học, trong đó giáo viên đã giảm thuyết trình để tập trung vào việc quan sát, hướng dẫn, tổ chức, thúc đẩy quá trình học tập của học sinh. Còn học sinh thì tự tin, chủ động, giao tiếp tích cực, hào hứng học tập, sinh hoạt tập thể, bước đầu hình thành thói quen tương tác, phát triển năng lực tự quản, tự học, tự đánh giá.

Theo báo cáo của các sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT, Ngân hàng Thế giới và UNESCO

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục