Lần đầu tiên một hội thảo quốc tế về khảo cổ học dưới nước được tổ chức với sự tham gia của hơn 200 nhà khoa học đến từ các nước trong khu vực và quốc tế. Hội thảo được Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức ngày 15-10. Tại hội thảo, đa số các nhà khoa học đều nhìn nhận một thực tế chung là khảo cổ dưới nước của Việt Nam là đi “mò” và trục vớt cổ vật chứ chưa phải là khảo cổ.
Lần đầu tiên tại Việt Nam, việc khai quật được tiến hành như trên cạn khi khai quật tàu cổ đắm tại Bình Châu (Quảng Ngãi).
Khái quát về tiềm năng khảo cổ học dưới nước, PGS-TS Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, cho rằng, do nằm trên trục hải thương giữa Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Tây Á nên Việt Nam là mắt xích quan trọng trong tuyến hải thương ven biển và một trong những khu vực buôn bán sầm uất. Từ những thương cảng sầm uất đó, có nhiều tàu đắm dọc ven biển Việt Nam có niên đại từ thế kỷ 8 đến đến 18. Hiện có 6 tàu đắm đã được khai quật, trục vớt.
Tại Vũng Tàu, tháng 6-1990, việc khai quật đã phát hiện con tàu dài 32,71m, rộng 9m cùng hàng ngàn hiện vật; tại Hòn Dầm (Phú Quốc, Kiên Giang) tháng 5-1991, phát hiện 16.000 cổ vật niên đại thế kỷ 15… Gần đây nhất, tháng 6-2013, tàu cổ tại Bình Châu (Quảng Ngãi) được khai quật như… trên cạn nhờ đóng cọc cừ bao xung quanh, hút nước, cát ra ngoài để lộ phần đáy của con tàu dài 20,5m và 274 thùng cổ vật là gốm sứ, hàng hóa… có niên đại thế kỷ 13.
Ngoài ra, đã phát hiện được dấu vết của một số tàu khác như tại Kiên Giang (3 tàu), Quảng Ngãi (10 tàu cổ bị đắm trên vùng biển huyện Bình Sơn và đảo Lý Sơn), phân bố tập trung trong phạm vi 24km² và cách bờ biển từ 200 - 400m.
Bên cạnh đó, những hải chiến trường từ xa xưa cũng là đối tượng mà các nhà khảo cổ học dưới nước nhắm tới, như di tích bãi cọc Bạch Đằng. Từ nhiều nguồn cứ liệu khác nhau, các nhà khoa học đang phục dựng lại một cách chân xác hai trận hải chiến nổi tiếng nhất trong lịch sử khi đội quân xâm lược của Hốt Tất Liệt bị đánh bại tại Vân Đồn và trên sông Bạch Đằng năm 1288 ở miền Bắc Việt Nam.
“Tiềm năng khảo cổ học của Việt Nam là rất lớn và bao gồm những loại hình di tích chìm ngập có niên đại hàng chục ngàn năm, cảng và thương cảng có niên đại ít nhất 2.000 năm trước Công nguyên, di tích tàu đắm có nguồn gốc địa phương, khu vực từ thế giới Ả rập, Trung Quốc và các quốc gia thương mại khác như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản, Anh. Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam rõ ràng có tiềm năng rất lớn đối với việc tăng cường nhận thức của chúng ta về quá khứ cũng như cung cấp tư liệu, chứng cứ khảo cổ học cho việc giải thích, trưng bày và du lịch văn hóa trên toàn lãnh thổ Việt Nam” - PGS Mark Staniforth đến từ Australia nhận định.
Dẫu vậy, PGS Mark Staniforth cũng đánh giá: “Nhận thức về số lượng di chỉ tàu đắm, di sản văn hóa biển hay dưới nước có thể tồn tại ở vùng biển Việt Nam còn hạn chế bởi số lượng những cuộc điều tra khảo sát cổ học dưới nước rất ít dù ở đây có thể tồn tại hàng ngàn di tích”. Chung quan điểm trên, theo ông Nguyễn Giang Hải vẫn chưa có một hệ thống nghiên cứu xác định đầy đủ tiềm năng của các nguồn tư liệu có thể khai thác, đặc biệt là ven biển Việt Nam. Để lãng phí những tài nguyên khảo cổ dưới nước là do Việt Nam thiếu đội ngũ chuyên gia nghiên cứu, không có nhiều chuyên gia được đào tạo bài bản.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp trên, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam, cho rằng, ngành khảo cổ học dưới nước của Việt Nam vừa mới được thành lập và đang thực hiện những bước nghiên cứu đầu tiên. Để đẩy mạnh nghiên cứu về lĩnh vực khảo cổ này, Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội đang chỉ đạo Viện Khảo cổ học xây dựng Đề án phát triển khảo cổ học dưới nước trình Thủ tướng Chính phủ.
HÀ MINH