Được khởi động từ năm 2012, mỗi chương trình In the Spotlight là một câu chuyện được viết bằng âm nhạc, khắc họa con đường hoạt động nghệ thuật của một người nghệ sĩ tâm điểm đã thành danh và có những cống hiến nhất định cho nền âm nhạc Việt Nam. Năm 2013, In the Spotlight của Công ty Mỹ Thanh do anh Trần Thanh Tùng (còn được biết đến với cái tên Tùng John) làm giám đốc lại nằm trong danh sách đề cử giải Cống hiến. Nhân dịp này, PV Báo SGGP đã có cuộc gặp gỡ với người nghệ sĩ đa tài này.
- PV: Thưa anh, việc chuỗi chương trình ca nhạc In the Spotlight được lọt vào đề cử giải Cống hiến 2013 không làm nhiều người bất ngờ, vì khán giả và báo giới đã thừa nhận đó là một chương trình nghệ thuật nghiêm túc, được đầu tư công phu. Tuy nhiên, hẳn anh và ê-kíp đã trải qua nhiều khó khăn ở bước khởi đầu?
>> Trần Thanh Tùng: Đúng vậy. Chúng tôi bắt đầu có ý tưởng làm chương trình này sau cuộc gặp gỡ với nhạc sĩ Hồng Kiên và mời anh về làm Giám đốc nghệ thuật cho In the Spotlight. Khi bắt tay vào, chúng tôi chỉ có một mong muốn duy nhất, đó là làm một chương trình tử tế, ca sĩ phải hát thật với dàn nhạc trên những bản phối được đầu tư công phu. Còn từ trước tới nay, rất nhiều chương trình làm theo kiểu ca sĩ hát trên một nền nhạc đã được thu đĩa trước, có nhiều trường hợp chỉ ra nhép miệng. Điều này thực sự không công bằng với khán giả. Tuy nhiên, muốn làm nghiêm túc thì đương nhiên phải rất tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc, cũng vất vả cho ca sĩ khi có người phải luyện tập với ban nhạc cả tháng.
- Trên phông màn của các chương trình bao giờ cũng rất “sạch sẽ”, không có tên nhà tài trợ, điều này với nhà sản xuất như anh hẳn là rất đau đầu?
Đó là một khó khăn của chúng tôi và cũng là một thử thách lớn. Chúng tôi mơ có thể làm được những chương trình có thể tự sống được mà không cần phải dựa vào bầu sữa của đại gia hay các nhà tài trợ. Từ trước tới nay, đi nghe ca nhạc, người ta chỉ chú ý tới ca sĩ, nhưng chúng tôi muốn thay đổi điều này, những người đứng sau họ như dàn nhạc, âm thanh, ánh sáng cũng rất xứng đáng được tôn vinh, chính họ là người quyết định chất lượng nghệ thuật của đêm nhạc.
- Cách làm của In the Spotlight có phải là hơi phiêu lưu trong thời điểm suy thoái kinh tế này không, vì rõ ràng đầu tư công sức như thế, tập luyện kỹ càng như thế mà chỉ làm từ 1 - 2 đêm thì chắc chắn sẽ lỗ?
Chúng tôi không dám khẳng định cách của mình là hay mà chỉ là một nỗ lực làm đúng thôi, còn phần nhận xét, đánh giá thì nên để cho mọi người nhìn nhận khách quan. Cái chúng tôi chú trọng nhất là cảm xúc mà đêm diễn mang đến cho khán giả, khi âm nhạc cất lên, khi tiếng hát cất lên, nghệ sĩ và khán giả đều gặp được nhau. Với nghệ sĩ, điều đó lớn lao lắm, nhiều khi còn giá trị hơn vật chất. Bởi vậy dẫu có lỗ, chúng tôi cũng vẫn kiên trì con đường này. Không thể bán cho khán giả một món “hạng hai” với giá tiền “hạng nhất”, chúng tôi thực sự trân trọng họ.
- Giá vé của In the Spotlight khá cao, nhiều khán giả mặc dù rất yêu âm nhạc nhưng khó mà bỏ ra tới 2.500.000 đồng để có một chỗ ngồi tốt nhất trong khán phòng?
Giá vé là một trăn trở của chúng tôi. Ai sản xuất chương trình mà không muốn hàng của mình bán chạy, bán nhanh. Nhưng quả thực, với sự đầu tư công phu, với thời gian luyện tập của ca sĩ, ban nhạc, với mức giá vé này nếu có bán hết thì cũng là hòa thôi, còn nếu sức mua yếu thì cầm chắc lỗ. Tuy nhiên, chương trình cũng có rất nhiều hạng vé giá rẻ như 500.000 đồng, 1.000.000 đồng, tôi hy vọng những người có thu nhập vừa phải có thể chịu đựng được mức giá này.
- Nhiều người nói làm nghệ thuật thời nay là phải có scandal, vậy mà In the Spotlight thì “hiền lành” quá, chẳng có chiêu trò gì để gây thanh thế cho mình?
Tạo scandal để thu hút khán giả không phải là lựa chọn của chúng tôi, hơn nữa ca sĩ, nghệ sĩ, nhạc sĩ tham gia chương trình cũng toàn những người hết sức đứng đắn, làm nghệ thuật nghiêm túc, làm sao có thể có đủ kinh nghiệm để “nổi tiếng” bằng cách của các ngôi sao khác được? Chúng tôi chỉ mong là ngày càng có nhiều người hiểu được cách làm nghệ thuật của mình để đồng hành và ủng hộ cho...
- Từng rất nổi danh trong giới sinh viên Hà Nội với nghệ danh “Tùng John”, tại sao anh không chọn một con đường thẳng để đến với nghệ thuật mà lại chọn cách làm nhà sản xuất các chương trình?
Tôi luôn nghĩ mình là một người làm nghệ thuật không chuyên thế nên đành nhờ cậy hết vào nhạc sĩ Hồng Kiên, anh là người có công lớn nhất với sân khấu... Tôi nghĩ mình ở vị trí này là hợp lý nhất. Chúng tôi đã tự hứa với nhau, sẽ chỉ làm việc, đưa ra các ý tưởng khi nào thực sự ở trạng thái tâm lý tốt nhất, khi cảm hứng tràn đầy nhất. Chúng tôi không bị sức ép về thời gian nên chỉ muốn cống hiến cho khán giả những chương trình nghệ thuật đích thực và được làm chu đáo.
- Xin cảm ơn anh!
Mai An (thực hiện)