Mở rộng chương trình “chăm sóc đúng” để loại trừ bệnh lao

Sáng 28-3, Tổ chức Friends for International Tuberculosis Relief (FIT) phối hợp với Hội Y tế Công cộng TPHCM và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tổ chức Hội nghị “Liên kết chấm dứt bệnh lao”.

(SGGPO).- Sáng 28-3, Tổ chức Friends for International Tuberculosis Relief (FIT) phối hợp với Hội Y tế Công cộng TPHCM và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tổ chức Hội nghị “Liên kết chấm dứt bệnh lao”.

Hội nghị nhằm làm rõ tình trạng mắc lao ở Việt Nam và sự cần thiết chuyển đổi mô hình để góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh lao, hướng tới Việt Nam không còn bệnh lao.

Phát thuốc và tư vấn cho bệnh nhân lao tại trạm y tế phường. (Ảnh minh họa)

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Chủ nhiệm chương trình Chống lao Quốc gia, trong những năm qua nhờ việc thực hiện toàn diện chiến lược hoá trị ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp (DOTS) thông qua chương trình chống lao Quốc gia, nước ta đã có thể giảm bớt gánh nặng bệnh lao với tỷ lệ mắc và tử vong hàng năm giảm từ 4%-5%.

Trước đó, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc xuống còn 20/100.000 dân vào năm 2030. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trong công tác phòng chống lao, hiện nay Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức với trung bình mỗi năm có khoảng 16.000 người tử vong do lao và 130.000 người mắc lao mới (trong đó có 7.000 người mắc lao đồng nhiễm HIV, hơn 5.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc), đứng thứ 14/30 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất thế giới và thứ 11/30 nước có gánh nặng lao đa kháng thuốc cao.

Tại hội nghị, các chuyên gia trong và ngoài nước đã đề cập đến nhiều vấn đề nhằm cùng nhau chung tay chấm dứt bệnh lao. Trong đó, mô hình “chăm sóc đúng” là mô hình cần thiết cần phải nhân rộng. Đây là mô hình do tổ chức FIT tài trợ cùng với sự đồng thuận hỗ trợ của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Hội Y tế Công cộng TPHCM nhằm giảm số ca tử vong do lao tại TPHCM, thông qua phương pháp phát hiện, điều trị, chủ động phối hợp hệ thống y tế công cộng và tư nhân. Trong mô hình này, đưa vào hoạt động các tư vấn viên, bác sĩ tư trong việc phát hiện, tư vấn và chăm sóc bệnh nhân lao tại cộng đồng.

THÀNH SƠN

Tin cùng chuyên mục