Điêu khắc ngoài trời, 2007

Mở rộng góc không gian văn hóa thành phố

Một số hoạt động tiếp theo trong chương trình “Triển lãm điêu khắc ngoài trời” 2007:
Mở rộng góc không gian văn hóa thành phố

Tạo một không gian văn hóa mở, kết nối những hoạt động giao lưu văn hóa, trao đổi thông tin mỹ thuật, kiến trúc; lướt web miễn phí; tổ chức đêm nhạc Flamenco; tổ chức hoạt động đấu giá tác phẩm tượng, gây quỹ từ thiện giúp bà con miền Trung bị bão lụt; tổ chức đêm Giáng sinh cho trẻ em mồ côi, khuyết tật, nghèo… Đó là các hoạt động trong chương trình “Triển lãm điêu khắc ngoài trời” 2007 do Hội Mỹ thuật TPHCM, Công ty Đất Lành, Công ty công trình Công cộng quận 1 kết hợp tổ chức tại Công viên Bách Tùng Diệp (góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa- Lý Tự Trọng) từ 15-12-2007 đến 15-1-2008.

Mở rộng góc không gian văn hóa thành phố ảnh 1

Tác phẩm điêu khắc “Cất cánh”.

Chọn ra 25 tác phẩm điêu khắc tiêu biểu Cất cánh, Bay cao, Ngai, Xin mời ngồi, Đồng bào, Đá thức, Huyền thoại Tiên Dung và Chử Đồng Tử, Cây đàn, Tình yêu vĩnh cửu, Huynh đệ, Tương tác… thể hiện phương pháp sáng tác đa dạng, chất liệu phù hợp với không gian, môi trường công viên, 9 tác giả trong nhóm điêu khắc Sài Gòn: Vĩnh Đô, Trần Việt Hưng, Hoàng Tường Minh, Ngô Liêm, Trần Thanh Nam, Lương Văn Thạnh, Phan Phương, Bùi Hải Sơn, Nguyễn Anh On mong muốn cuộc triển lãm điêu khắc ngoài trời lần đầu tiên tại khu trung tâm TPHCM  sẽ khởi đầu sự đồng hành mới của ngành điêu khắc cùng với nhịp điệu phát triển của thành phố.

Liên tục có mặt qua nhiều cuộc triển lãm chuyên ngành hàng năm trong nước và vừa qua nhóm đã năng động tham gia cuộc triển lãm điêu khắc quốc tế ở Hàn Quốc với ý nghĩa tìm hiểu, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng những không gian điêu khắc- kiến trúc thích hợp môi trường đô thị và tìm cách nào để giới mỹ thuật đáp ứng được đời sống xã hội đương đại.

Xã hội luôn cần vai trò của giới điêu khắc, giới kiến trúc thiết kế, sáng tạo cái đẹp cảnh quan của thành phố, của môi trường đô thị. Cái đẹp đi cùng với sự mới lạ nhưng cái mới lạ ấy phải bộc lộ nét gần gũi và hấp dẫn. Cái đẹp phải hữu ích và đáp ứng được nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ của đông đảo công chúng.

Hiện nay, ở các thành phố lớn của Việt Nam, nghệ thuật điêu khắc dành cho những công trình công cộng như tượng công viên, tượng sân vườn rất hiếm hoi hoặc nếu có cũng chỉ ở mức độ khá khiêm tốn. Quan tâm và mạnh dạn đi vào các sáng tác tượng nghệ thuật, tượng công viên, nhóm điêu khắc gia Sài Gòn (với độ tuổi từ 30 đến 50)- những người được mệnh danh là “thế hệ cầu nối” đang nỗ lực không ngừng về xu hướng sáng tác này.

Một số hoạt động tiếp theo trong chương trình “Triển lãm điêu khắc ngoài trời” 2007:

24-12-2007: Đêm Giáng sinh dành cho trẻ em mồ côi, khuyết tật (19g-21g);  29-12: Giao lưu với Hội Kiến trúc sư TPHCM (18g-20g); 30-12: Giao lưu với Hội xe cổ (9g-11g); 4-1-2008: Giao lưu với CLB Doanh nhân (18g-20g); 6-1: Đêm nhạc Flamenco (19g-21g); 12-1: Giao lưu với CLB các Lãnh sự quán (9g-11g).

Ngoài thể hiện “ý nghĩa hành động” qua các thông điệp nghệ thuật và gắn bó cùng hoạt động đời sống cộng đồng của nhóm điêu khắc gia, cách thức “xã hội hóa”  hoạt động từ thiện với những “điểm nhấn” giao lưu khác của các tổ chức doanh nghiệp cũng có ý nghĩa đóng góp thiết thực và làm phong phú đời sống tinh thần người Sài Gòn.

Tuy nhiên, cách tổ chức ban đầu càng nên quảng bá rộng hơn và tiến dần đến việc cần xây dựng được một “điểm thu hút”, để người dân thành phố mỗi lần đi ngang qua chỉ muốn dừng chân, ghé vào thưởng thức, khám phá thêm một góc không gian văn hóa đẹp, lành mạnh, phong phú, đáng yêu thực sự trong đời sống tinh thần của người Sài Gòn ngày nay…

Kim Ửng

Tin cùng chuyên mục