Mở rộng không gian phát triển nông nghiệp

Nhiều địa phương đã và đang triển khai thực hiện Nghị quyết 128 về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. 

Trong khi đó, ở Tiền Giang, một số doanh nghiệp (DN) phản ứng việc tỉnh chậm cho công nhân quay lại nhà máy sản xuất. Có thể nói, việc thực hiện Nghị quyết 128 là yêu cầu cấp bách để DN sớm hoạt động trở lại vì đã “đuối sức” sau thời gian dài ngưng hoạt động.

Lâu nay, tại ĐBSCL, câu chuyện “được mùa, mất giá” như căn bệnh trầm kha trong sản xuất nông nghiệp. Khi dịch Covid-19 lan rộng, các địa phương áp dụng giãn cách, gây khó thêm đầu ra cho nông sản. Song, nói như Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trong cuộc đối thoại với DN mới đây: “Khi đề cập về diện tích thủy sản, trái cây, lúa, bản thân nó không phải là kinh tế. Khi nào cá còn nằm dưới ao, trái cây còn nằm trên cây, lúa còn trên đồng… thì bản thân nó là sản lượng chứ không phải là kinh tế. Chúng ta phải cố gắng tạo ra giá trị cao hơn trên sản phẩm. Giá trị gia tăng chỉ khi nào tất cả những sản lượng cá tôm, trái cây, gạo đến được thị trường. Mà muốn đến được thị trường thì thông qua thương lái, DN chế biến…

Như vậy, câu chuyện của con tôm, hạt gạo là một không gian kinh tế chứ không phải là một mảnh ghép. Khôi phục sản xuất cần không gian kinh tế, chứ không thể tỉnh này mở mà tỉnh kia đóng”.

Vừa qua, nhiều DN ĐBSCL cho biết, nhà máy chế biến thủy sản đặt ở một tỉnh nhưng vùng nguyên liệu nằm ở nhiều tỉnh. Vấn đề khó khăn trong giao thông thời gian qua khiến nhiều nhà máy lao đao. Các DN mong sớm tạo sự liên thông giữa các tỉnh thành ĐBSCL để khôi phục chuỗi sản xuất. Mới đây, 7 tỉnh thành phía Nam sông Hậu đã ngồi lại để đưa ra giải pháp liên thông nhằm sớm tạo thuận lợi khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế.

Hơn bao giờ hết, chính quyền các địa phương cần phải thay đổi tư duy điều hành. Thay vì vẫn tư duy chính quyền kiểm soát - DN tuân thủ, bây giờ hai bên cùng ngồi lại để kiến tạo một không gian hoạt động cho nhà máy nhằm phục hồi kinh tế. Mở rộng không gian phát triển kinh tế không chỉ là yêu cầu cấp bách trong hiện tại, mà phải nhất quán, xuyên suốt, dài hạn. Sự liên kết giữa DN với nông dân cũng phải bền chặt hơn, thay vì từng mùa vụ…

Mở rộng không gian kinh tế là yếu tố căn cơ để hình thành các chuỗi sản xuất trong nông nghiệp. Giá trị sản xuất phải được tích hợp gia tăng trên một đơn vị diện tích, chứ không nằm ở con số thống kê sản lượng. Mở rộng không gian phát triển kinh tế được xem như xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp trên cơ sở cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Theo đó, các chuỗi sản xuất nông nghiệp phải thích ứng với biến đổi khí hậu, biến động thị trường, phù hợp với xu thế tiêu dùng “xanh, sạch”. Nói như Bộ trưởng Lê Minh Hoan, sản xuất hàng nông sản phải hướng đến giá cạnh tranh, chất lượng ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó là điều cần thiết mà nông sản ĐBSCL phải sẵn sàng cho bước thay đổi, phù hợp với xu thế tiêu dùng của thế giới.

Tin cùng chuyên mục