Từ 1-3-2008, nhà đầu tư chứng khoán

Mở tài khoản tại ngân hàng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ra Thông báo số 127/TB-UBCK gửi tới các Công ty chứng khoán (CTCK) yêu cầu nghiêm túc thực hiện quy định về việc quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư theo quy định tại Quyết định 27/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính.

Nội dung của Quyết định 27 quy định toàn bộ tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư (NĐT) phải chuyển về ngân hàng quản lý, nhằm minh bạch hóa, đồng thời tránh được việc CTCK sử dụng tiền của NĐT sử dụng vào mục đích riêng.

Theo thông báo này, kể từ 1-3-2008 toàn bộ tài khoản của NĐT sẽ được chuyển về ngân hàng quản lý. NĐT phải mở tài khoản tiền tại ngân hàng thương mại (NHTM) do CTCK lựa chọn. CTCK phải báo cáo UBCKNN danh sách các ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán cho mình trong vòng 3 ngày sau khi ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thanh toán với ngân hàng.

Trước đó, khi Quyết định 27 được ban hành, vẫn còn nhiều CTCK tỏ ra không đồng tình, vì đã mất đi một mối lợi lớn là không được quản lý một lượng tiền giao dịch khổng lồ của NĐT. Theo ước tính lượng tiền lưu thông trên thị trường hiện nay lên đến mức 50.000 tỷ đồng.

Sau một thời gian tranh luận và họp bàn vẫn chưa có được tiếng nói chung giữa các CTCK và ngân hàng. Chính vì vậy, ngày 20-11 vừa qua Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) đã tổ chức buổi tọa đàm tiếp tục lấy ý kiến góp ý từ các CTCK và ngân hàng trong việc quản lý tiền của nhà đầu tư.

Theo Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng Thư ký VASB, mục tiêu cuối cùng của quyết định này là để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát được luồng tiền đầu tư vào chứng khoán, chống rửa tiền và kiểm soát được tính minh bạch khi tài khoản của nhà đầu tư được một cơ quan chuyên môn, uy tín quản lý.

Việc qui định “quản lý tiền qua ngân hàng” nếu thực sự hiểu đúng và hướng đến mục tiêu đầy ý nghĩa của Quyết định 27 là tài khoản tiền của cá nhân nhà đầu tư được mở độc lập tại ngân hàng, không liên quan đến tài khoản chứng khoán được mở tại CTCK.

Vì nếu tiếp tục để CTCK quản lý tài khoản cá nhân thì tiền của NĐT trong trường hợp còn số dư trên tài khoản rất dễ bị “mượn đỡ” trong một khoản thời gian nào đó bởi CTCK hoặc một NĐT khác dưới sự “đạo diễn” của nhân viên môi giới của CTCK. Mặt khác, đối với những CTCK có số vốn điều lệ nhỏ, nhưng quản lý một lượng tài khoản với số dư tiền trên tài khoản lớn.

Mặt khác, trong nhiều trường hợp tổng số dư tiền trên tài khoản của NĐT lớn hơn chính vốn điều lệ của CTCK đó thì khi gặp khó khăn trong kinh doanh hoặc tuyên bố giải thể, phá sản. Lúc này, toàn bộ tài sản của nhà đầu tư tại CTCK đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì tài khoản của họ không được bảo hiểm tiền gửi như những định chế tài chính khác.

Nếu tài khoản của nhà đầu tư còn được quản lý bởi CTCK thì toàn bộ các quyền lợi liên quan đến tài khoản tiền gửi như hưởng lãi, vay thấu chi và các sản phẩm dịch vụ khác của ngân hàng NĐT đều không được hưởng. Thế nhưng, ông Kỳ cho rằng, hiện vẫn còn nhiều CTCK và ngân hàng băn khoăn trong việc thực thi Quyết định 27, là vì cần có thời gian để đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin chuẩn bị cho việc kết nối.

Vì thế, để quản lý tốt nguồn tiền gửi của NĐT, trước mắt NĐT vẫn mở tài khoản tại CTCK. CTCK đại diện cho khách hàng mở tài khoản chung của công ty tại ngân hàng do công ty lựa chọn và tài khoản này công ty không được sử dụng. Toàn bộ tiền gửi của khách hàng sẽ được ngân hàng thu tại quầy mở tại CTCK. Sau đó, khi quy trình đi vào ổn định, NĐT có thể mở hai tài khoản một tại ngân hàng và một tại CTCK.

Ý kiến từ phía một số CTCK cho rằng, việc liên kết với ngân hàng để quản lý tài khoản cá nhân sẽ rất thuận lợi và đem lại sự minh bạch cho NĐT. Tuy nhiên, không nên bắt buộc nhà đầu tư phải chọn một trong hai việc là mở tài khoản tại CTCK hay ngân hàng.

Vì hiện cơ sở hạ tầng của CTCK và ngân hàng tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập nên việc quản lý tiền của NĐT rất phức tạp. Và điều này cũng không khác gì việc giữ tiền của nhà đầu tư tại CTCK và sẽ dẫn đến một số vấn đề không minh bạch. Mặc dù vậy, hiện các CTCK và phía ngân hàng cũng đang gấp rút triển khai việc kết nối và tích hợp hệ thống. Điều này cho thấy, các bên liên quan là CTCK, ngân hàng và nhà đầu tư đã nhận thức được rõ quyền lợi, vai trò và trách nhiệm của mình.

Thư Nguyên

Tin cùng chuyên mục