Mở thêm kênh vay vốn đối với lao động đi nước ngoài làm việc

Thời gian vừa qua nhà nước đã có chính sách thông thoáng trong việc hỗ trợ vốn vay cho người lao động đi nước ngoài làm việc. Thông qua các kênh vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), đã có nhiều lao động được hỗ trợ vay vốn trước khi đi nước ngoài làm việc.

Tuy nhiên, kênh vay vốn dành cho lao động nghèo, diện chính sách vẫn chưa mở rộng đến nhiều đối tượng và mức vay còn thấp (không quá 20 triệu đồng/người). Tương tự, mức vay dạng tín chấp ở các chi nhánh Ngân hàng Agribank đối với lao động bình thường cũng chỉ dừng ở mức không quá 20 triệu đồng/người. Chính vì mức vay giới hạn nên nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn không có đủ nguồn tài chính để đi làm việc ở các thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu vì chi phí ban đầu, tiền đặt cọc cao (khoảng trên dưới 100 triệu đồng).

Còn vay theo dạng thế chấp thì họ-những lao động có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế không có đủ điều kiện. Chính vì thế, để tạo cơ hội cho nhiều lao động nghèo, lao động nông thôn đi nước ngoài làm việc, nhà nước, các địa phương nên có chính sách thông thoáng hơn trong việc hỗ trợ vốn vay cho xuất khẩu lao động.

Ngoài mở rộng các hình thức vay vốn từ quỹ tín dụng, nhà nước nên cho phép sử dụng nguồn vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm cho lao động vay vốn đi nước ngoài làm việc. Riêng các địa phương có thể cho lao động nghèo vay thêm vốn từ quỹ xóa đói giảm nghèo hoặc các kênh tín dụng khác với lãi suất ưu đãi. Song song đó cần tăng mức cho vay vốn lên 80%-100% tổng chi phí xuất khẩu lao động. Như thế, người lao động mới có cơ hội chọn lựa thị trường lao động có thu nhập cao, thay vì chỉ đi theo những hợp đồng có thu nhập thấp vì chi phí thấp.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục