Ngày 14-2, Malaysia đã lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ đằng sau vụ trộm thiết bị có chứa chất phóng xạ Iridium-192 được các nhóm khủng bố, trong đó có Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, ráo riết tìm kiếm để chế tạo bom bẩn. Chính phủ Malaysia đã tuyên bố sửa đổi luật liên quan đến việc quản lý năng lượng hạt nhân nhằm đảm bảo an toàn, an ninh trong sử dụng và bảo vệ vật liệu phóng xạ.
CBRNe - mối đe dọa mới tại Đông Nam Á?
Việc chất Iridium-192 được tìm thấy tại Klang, bang Selangor, là dấu hiệu đáng ngại cho thấy Malaysia đang trở thành điểm trung chuyển chính và là căn cứ cho những kẻ cực đoan về tôn giáo và bạo lực.
Theo chuyên gia an ninh Malaysia Andrin Raj, đe dọa về hóa chất, sinh học, phóng xạ, hạt nhân và chất nổ (gọi chung là CBRNe) là điều mới mẻ tại khu vực Đông Nam Á. Ông cảnh báo hiện CBRNe đã trở thành mối đe dọa mới tại khu vực.
Các chuyên gia hạt nhân Malaysia đã tìm thấy chất phóng xạ Iridium-192 bị đánh cắp
Trước đó, ngày 11-2, cảnh sát và các chuyên gia hạt nhân Malaysia đã tìm thấy hai chiếc máy chiếu bên trong có chứa chất phóng xạ Iridium-192 tại thành phố Klang. Hai thiết bị này là tài sản của một công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho các tập đoàn dầu khí. Khi lực lượng chức năng phát hiện, các máy chiếu nói trên đều ở trong tình trạng bị tháo dỡ. Người dân tại khu vực phát hiện ra hai thiết bị có chứa chất phóng xạ nói trên đã được khuyến cáo đi kiểm tra sức khỏe.
Chính phủ Malaysia sẽ sửa đổi luật liên quan đến việc quản lý năng lượng hạt nhân vì luật hiện hành của Malaysia về vấn đề này đã tồn tại trong suốt hơn 30 năm qua. Theo dự thảo luật sửa đổi, người vi phạm có thể bị phạt tù đến 10 năm hoặc bị phạt tiền đến 100.000 ringgit (khoảng 22.500 USD) hoặc cả hai hình thức trên.
Còn tại Indonesia, cảnh sát Indonesia dự báo mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố sẽ leo thang trong năm 2017 khi nhiều tay súng phiến quân vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Giới chức an ninh Indonesia khẳng định, Jakarta coi nhiệm vụ chống khủng bố là một trong các ưu tiên trong năm 2017 và sẽ tăng cường phòng ngừa.
Các mối đe dọa khủng bố, đặc biệt là sự xuất hiện của IS, đang có chiều hướng gia tăng sau khi Indonesia tiến hành một loạt vụ bắt giữ và tiêu diệt các nghi can lên kế hoạch đánh bom tự sát quy mô lớn trên toàn quốc trong vài tuần trở lại đây.
Vai trò chống khủng bố của các công ty
Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) vừa nhất trí thông qua Nghị quyết 2341 (2017) kêu gọi các nước thành viên phát triển các chiến lược giảm thiểu nguy cơ tấn công khủng bố nhằm vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu.
Theo HĐBA LHQ, các vụ tấn công nhằm vào những mục tiêu được coi là hấp dẫn như lĩnh vực ngân hàng và tài chính, viễn thông, dịch vụ cấp cứu, vận tải, cung cấp năng lượng và nước, không chỉ gây thương vong cho dân thường mà còn gây thiệt hại lớn về tài sản, làm gián đoạn các dịch vụ công cộng, khiến xã hội rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Nghị quyết 2341 được thông qua sau một cuộc tranh luận mở tại HĐBA LHQ. Theo Chánh Văn phòng của Tổng Thư ký LHQ Maria Luiza Viotti, cộng đồng quốc tế cần đoàn kết để đối phó với các vụ tấn công khủng bố và nhận thức được tầm quan trọng của sự phối hợp giữa lãnh đạo các công ty và các cổ đông trong việc đối phó với các vụ tấn công khủng bố.
Mới tháng trước, theo tờ Sputnik, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev cho biết, Nga có bằng chứng cho thấy một số nước và công ty nước ngoài có tầm ảnh hưởng, thậm chí là công ty xuyên quốc gia “hợp tác với các phần tử khủng bố”.
Do vậy, việc chấm dứt hoạt động hợp tác này cần trở thành mục tiêu của tất cả các nước chống khủng bố mà không cần có một ngoại lệ nào.
HẠNH CHI (tổng hợp)