Đó là nội dung được ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em Bộ Y tế, thông tin tại “Hội thảo triển khai kế hoạch hành động quốc gia về loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con” được tổ chức tại TPHCM vào sáng 26-3.
Theo ông Nguyễn Đức Vinh, dù Việt Nam đã triển khai công tác phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con trong chương trình phòng chống HIV/AID từ năm 2005 nhưng việc thực hiện các chỉ tiêu còn thấp, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được xét nghiệm sàng lọc HIV trước và trong thời gian mang thai chỉ đạt 38,5%, thấp hơn so với phụ nữ độ tuổi này được xét nghiệm sàng lọc HIV trong khi chuyển dạ (57,6%) và vẫn còn 3,9% phụ nữ độ tuổi sinh đẻ chưa được xét nghiệm sàng lọc HIV.
Nguyên do là việc tư vấn của cán bộ y tế còn hạn chế; nguồn cung ứng test miễn phí không đáp ứng được nhu cầu trong khi bảo hiểm y tế không chi trả test sàng lọc; chưa sẵn có dịch vụ xét nghiệm sàng lọc HIV tại trạm y tế phường xã, nơi chủ yếu thực hiện quản lý và khám thai ban đầu; nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế trong việc cần đi khám thai sớm, khám thai 3 lần trong 3 thai kỳ; nhiều bà mẹ nhiễm HIV còn sợ bị kỳ thị nên ngại xét nghiệm...
Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B (HBV) ở nhóm phụ nữ mang thai chiếm khoảng 10% - 20% và 90% số trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HBV có kháng nguyên e của virus HBV dương tính có thể bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ. Đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai bị nhiễm giang mai nếu không điều trị kịp thời sẽ lây truyền cho thai nhi qua đường máu, ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như tính mạng của thai nhi với tình trạng lây nhiễm giang mai từ mẹ sang con chiếm khoảng 40% - 70%.
Để khắc phục tình trạng trên, nhằm tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con vào năm 2030, Bộ Y tế cho biết, thời gian tới sẽ nâng chất mạng lưới cung cấp dịch vụ đi đôi với tăng cường mức độ sử dụng dịch vụ của người dân thông qua truyền thông, giáo dục sức khỏe, hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ dự phòng lây truyền 3 bệnh được liên tục và thuận tiện; đảm bảo tính liên tục và lồng ghép các can thiệp về dự phòng HIV, giang mai và viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con vào việc cung cấp các dịch vụ trong cơ sở y tế thuộc hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS, da liễu và truyền nhiễm; lồng ghép việc xét nghiệm sàng lọc sớm HIV, viêm gan B và giang mai cho phụ nữ mang thai trong công tác quản lý thai tại tuyến y tế cơ sở để tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc sớm trong giai đoạn mang thai, tăng hiệu quả của việc dự phòng.
Bên cạnh đó vận hành hiệu quả cơ chế phối hợp và chuyển gửi giữa các đơn vị theo chức năng nhiệm vụ để đảm bảo cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền 3 bệnh liên tục.