Mỗi năm, Việt Nam có 200.000 người bị đột quỵ, nhiều khác biệt với thế giới

Đột quỵ não là bệnh không lây nhiễm thường gặp khi mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp bị đột quỵ và con số này đang gia tăng. 

Ngày 5-11, tại hội nghị đột quỵ quốc tế năm 2022 diễn ra ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Việt Nam và nhiều nước đang phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật kép, gồm các bệnh truyền nhiễm mới nổi và sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm.

Các bệnh không lây nhiễm có 4 nhóm gồm: bệnh về tim mạch (trong đó có đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp); bệnh ung thư; bệnh hô hấp mạn tính và đái tháo đường. Đây đều là các bệnh và nhóm bệnh gây ra hậu quả nặng nề do tỷ lệ tử vong và tàn phế cao.

Trong đó, đột quỵ não là bệnh không lây nhiễm thường gặp khi mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp bị đột quỵ và con số này đang gia tăng.

Theo Hội Đột quỵ thế giới, mỗi năm, thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não, trong đó hơn 16% ở người từ 15 - 49 tuổi. Về tử vong, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca, và hơn 6% trong số này là người người trẻ.

Mỗi năm, Việt Nam có 200.000 người bị đột quỵ, nhiều khác biệt với thế giới ảnh 1 Số người bị đột quỵ tại nước ta đang gia tăng

Theo PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, di chứng của đột quỵ để lại nặng nề nên việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ giúp người bệnh được hồi phục, trở lại cuộc sống tốt hơn. Nghiên cứu mới đây của Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, độ tuổi trung bình người dân Việt Nam bị đột quỵ khoảng 65 tuổi, độ tuổi dưới 45 chiếm 7,2%.

Đáng lưu ý, nam giới bị đột quỵ nhiều hơn nữ tới 2,5 lần (ở nước ngoài, nữ bị đột quỵ nhiều hơn nam). Về phân loại đột quỵ, ở các nước phát triển, tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não chiếm 85%, chảy máu não khoảng 15%; tại Việt Nam, đột quỵ nhồi máu não là 76% và chảy máu não 24%. Tỷ lệ người bị đột quỵ được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong 6 giờ đầu vẫn còn thấp, chỉ mới có 33%.

Tin cùng chuyên mục