Mối nguy từ bệnh dại

Ở Việt Nam những năm gần đây, tỷ lệ bệnh dại (Rabies) có khuynh hướng gia tăng, là mối nguy hiểm cho con người và vật nuôi trong nhà. Cho đến nay, cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng vì bệnh dại khi đã xuất hiện triệu chứng thì chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và sẽ dẫn đến tử vong.
Mối nguy từ bệnh dại

Ở Việt Nam những năm gần đây, tỷ lệ bệnh dại (Rabies) có khuynh hướng gia tăng, là mối nguy hiểm cho con người và vật nuôi trong nhà. Cho đến nay, cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng vì bệnh dại khi đã xuất hiện triệu chứng thì chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và sẽ dẫn đến tử vong.

Theo quy định, chó nuôi phải được tiêm phòng dại định kỳ.

Báo động

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp bệnh dại đứng hàng thứ 12 trong các bệnh truyền nhiễm gây tử vong cho con người. Nguồn bệnh chủ yếu của bệnh dại là chó (90%), mèo (5%) và các loài động vật hoang dã có vú (như chồn, cáo, dơi, chuột…). Tại Việt Nam, theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh dại xếp vào nhóm B, nhóm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Tháng 8 hàng năm là mùa giao phối của loài chó, vì vậy, vào thời điểm này số người bị chó cắn và mắc bệnh dại cũng tăng đột biến và khi thời tiết nắng nóng thì tỷ lệ bệnh này cũng tăng lên. Trên thế giới, theo thống kê, cứ 10 phút có 1 người chết vì bệnh dại. Tại Việt Nam, trong 5 năm gần đây, số người bị chó cắn và tử vong vì bệnh dại đang gia tăng đến mức báo động.

Diễn tiến của bệnh: Sau vài ngày bị chó cắn (trung bình khoảng 4 - 10 ngày), bệnh nhân có triệu chứng sợ sệt, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau rần tại vết cắn. Sau đó, bệnh nhân có dấu hiệu mất ngủ, tăng cảm giác kích thích, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, giãn đồng tử. Bệnh kéo dài 2-6 ngày, sau đó lên cơn co giật và tử vong do liệt cơ hô hấp.

Cách ngừa bệnh dại

Người bị chó cắn cần xử lý vết thương theo trình tự sau: Lấy hết các dị vật (lông chó, đất cát, lá cây… và mô dập nát); rửa sạch vết cắn nhiều lần với nước sạch trong vòng 5 - 10 phút, có thể dùng xà bông, chất tẩy rửa; sát trùng vết cắn (dùng dung dịch Iode, cồn 70%). Sau đó đến cơ sở y tế khâu vết cắn (nếu cần), sử dụng kháng sinh, tiêm phòng uốn ván và bệnh dại.

Để phòng bệnh dại, người dân nên hạn chế nuôi chó, mèo trong nhà; không cho chó chạy rông ngoài đường. Nếu đưa chó ra đường phải có người dẫn, có rọ hoặc dây khóa mõm chó lại. Chủ nuôi cần tiêm chủng cho chó định kỳ hàng năm tại cơ quan thú y, vệ sinh chuồng trại nuôi chó. Đặc biệt, người dân nên từ bỏ cách trị bệnh sai lầm là cho chó liếm để điều trị hết bệnh ghẻ.

Cho đến nay, y học hiện đại và y học cổ truyền đều khẳng định bệnh dại khi đã lên cơn đều dẫn đến tử vong. Do vậy, khi bị súc vật dại cắn, nạn nhân cần chích ngừa càng sớm càng tốt và đủ liều, không nên điều trị bằng thuốc nam. Khi phát hiện chó dại, cần giết và chôn hoặc đốt xác chó, không sử dụng thịt chó làm thực phẩm cho người và gia súc. Đối với nhóm người có nguy cơ cao, tiếp xúc thường xuyên với chó, mèo như: nhân viên thú y, kiểm lâm, người chăn nuôi, mua bán, giết mổ chó, mèo… nên tiêm ngừa vaccine phòng bệnh dại.

Một số lưu ý tiêm phòng vaccine bệnh dại: Cũng như một số vaccine khác, vaccine phòng bệnh dại có thể có một số phản ứng nhẹ tại chỗ tiêm như ngứa, đau, tấy đỏ... nhưng vài ngày sau sẽ hết. Những người có cơ địa dị ứng, bệnh mạn tính hay nghiện rượu có thể bị sốt nhẹ, nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt (thường xảy ra sau mũi tiêm thứ 3 trở đi). Tuy nhiên, tỷ lệ người có những tác dụng phụ nói trên rất ít và nếu có thì bệnh nhân cần báo cho bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời.

Các trường hợp cần phải chủng ngừa bệnh dại ngay

- Con chó lên cơn dại hoặc nghi dại hoặc không theo dõi được con chó đã cắn.

- Vết cắn gần thần kinh trung ương như thân, đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục và nhiều vết cắn sâu nguy hiểm.

Ở nước ta, ổ chứa virus dại chủ yếu là chó nuôi, sau đó là mèo nuôi. Những súc vật khác như trâu, bò, heo, thỏ, sóc, chuột... cũng có thể bị nhiễm virus dại (hiếm gặp). Người bị chúng cắn vẫn phải đi khám để tiêm vaccine nếu nghi ngờ súc vật đó bị dại.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TPHCM

BS-CK1 NGUYỄN LÊ THỤC ĐOAN
Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe TPHCM

Tin cùng chuyên mục