Gặp gỡ ban giám khảo Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2007

Mới nhưng cần hay hơn

Hàng trăm tác phẩm của 11 thể loại phim tài liệu, phóng sự, phim truyện, chương trình ca nhạc, sân khấu, game show… đã làm “đậm đà” cho cuộc Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2007. Phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng đã ghi nhận một số ý kiến các vị trong Ban giám khảo các thể loại.
Mới nhưng cần hay hơn

Hàng trăm tác phẩm của 11 thể loại phim tài liệu, phóng sự, phim truyện, chương trình ca nhạc, sân khấu, game show… đã làm “đậm đà” cho cuộc Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2007. Phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng đã ghi nhận một số ý kiến các vị trong Ban giám khảo các thể loại.

  • Nhà biên kịch, phê bình điện ảnh ĐINH TIẾP (Ủy viên Ban giám khảo phim phóng sự):
    Phim phóng sự cũng cần tính chuyên nghiệp
Mới nhưng cần hay hơn ảnh 1

So mặt bằng chung, các phim phóng sự truyền hình năm nay có phần sút giảm hơn năm ngoái. Nhưng, theo tôi, thể loại này luôn có thế mạnh khi nêu những vấn đề thời sự, cập nhật thông tin nhanh và sâu.

Trong tình hình Việt Nam gia nhập WTO, một số phim đã đi vào đề tài nông nghiệp với hướng dự báo cho ngành nông nghiệp, chuẩn bị kỹ thuật, tạo ra sản phẩm chất lượng hay phản ánh một cung cách làm ăn khá hiệu quả, để người nông dân vẫn có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Đề tài phản ánh tính cộng đồng, trong hoạt động từ thiện hoặc ghi nhận được những tấm lòng đầy ắp tình người trong cuộc sống đời thường cũng là mặt mạnh của thể loại. Phim “Cô giáo làng Vân”, phim “Cho vay nặng nghĩa” (chuyện một người phụ nữ nghèo đi lên từ nghề buôn cua và từ đó xây mô hình giúp bà con nghèo, cho họ vay hàng tỷ đồng mà không lấy lãi!). Nhưng đáng tiếc, bên cạnh vẫn còn một số tác giả làm phim chỉ mang tính phản ánh...

  • Đạo diễn KHẢI HƯNG (Trưởng ban giám khảo phim truyện truyền hình):
    Phim truyện truyền hình phải là phim dài tập
Mới nhưng cần hay hơn ảnh 2

Phim dài tập mới có thể bao quát hết những vấn đề của đời sống, xã hội, mới đi sâu vào những điều xã hội quan tâm, đề cập được những xu hướng tất yếu của cuộc sống... Nhưng các đài nhỏ của địa phương chưa đủ khả năng, điều kiện để thực hiện phim dài hơi. Chính vì thế, cuộc thi vẫn chỉ là cuộc đọ sức giữa các đài lớn.

Xã hội hóa truyền hình đã và đang góp phần tạo nên sự đa dạng cho phim truyện truyền hình. Năm nay, các tác phẩm dự thi đã đi đúng hướng. Nếu như năm ngoái, nhiều phim còn mang hơi hướng “điện ảnh” thì năm nay, tính truyền hình đã bắt đầu rõ nét.

Một số tác phẩm thể hiện tính đột phá như ở mảng đề tài chống tham nhũng, mảng công nghiệp… Bộ phim “Chạy án” là một ví dụ về việc làm phim chống tham nhũng. Lấy tư liệu từ đời sống, xã hội, từ những nhân vật có thật kết hợp với sự hư cấu, các nhà làm phim đã tạo cho khán giả sự lôi cuốn khi theo dõi bộ phim.

Đài Truyền hình Đắc Lắc cũng gây ngạc nhiên cho Hội đồng giám khảo về đề tài công nghiệp, một đề tài khó thực hiện. Một ghi nhận nữa về đội ngũ làm phim truyền hình: Đội ngũ này đang được trẻ hóa, có tính năng động, sáng tạo, đã góp phần tạo nên những tác phẩm mang màu sắc trẻ trung, ấn tượng.

  • Nhạc sĩ KIỀU TẤN (Ủy viên Ban Giám khảo Các chương trình sân khấu):
    Các chương trình sân khấu cần tăng tính hấp dẫn
Mới nhưng cần hay hơn ảnh 3

Liên hoan năm nay, số lượng các đài dự thi và số lượng tác phẩm dự thi đều ít hơn lần trước. Tuy nhiên, các đài đầu tư kỹ cho chương trình của mình. Nhìn chung, mặt bằng các đài không chênh nhau lắm. Tay nghề của các đạo diễn hình, âm thanh, ánh sáng cũng tương đối.

Thậm chí có một số đài còn vượt lên so với các đài “đàn anh”. Nhưng nguồn kịch bản thì một số đài lại quanh quẩn đề tài cũ, không có gì mới. Chỉ có một số đài đi vào những đề tài gai góc của đời sống xã hội. Có 21 tác phẩm của 15 đơn vị dự liên hoan thì trong đó có 8 vở cải lương, 4 vở kịch, 7 tuồng, 2 vở chèo.

Như vậy, thể loại cải lương cũng khá nhiều. Nhưng có một tình trạng làm cho tác phẩm cải lương không hấp dẫn lắm là các gương mặt diễn viên trùng lặp, nên các đài có muốn làm hay hơn, hấp dẫn hơn cũng khó lòng thực hiện được.

Mặc dù vậy, có một số đài đã có nhiều cố gắng tạo nên một số tác phẩm hay mang đến liên hoan và được đánh giá cao như: Điều vô giá, Ngôi đền cổ, Thần tượng thật, Người quê sáng mắt sáng lòng, Hai gương mặt – một cuộc đời…

  • Nhà báo BÙI THU THỦY (Trưởng ban giám khảo chương trình trò chơi):
    Game show Việt Nam sẽ tạo được bản sắc riêng
Mới nhưng cần hay hơn ảnh 4

Chương trình game show (trò chơi) được các đài gửi tham dự Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm nay tương đối nhiều hơn so với các liên hoan trước. Game show có ưu thế gây được sự chú ý khá đông khán giả nhờ nhiều yếu tố mang tính tập thể, tính tương tác và hấp dẫn cả người tham dự lẫn người xem trước màn ảnh nhỏ.

Liên hoan truyền hình toàn quốc lần này có 16 chương trình game show, trong đó số chương trình được các đài truyền hình mua lại bản quyền các nước cũng ngang bằng với số chương trình “tự biên, tự diễn” của các nhà đài.

Công bằng mà nói, một số game show du nhập nước ngoài đã được xử lý lại thì phần lớn tính chặt chẽ, bao quát chương trình được người trong, ngoài cuộc chơi đồng hành tương đối tốt ; có điều, nó vẫn mang “hơi hướng phương xa” đối với tâm lý khán giả Việt Nam.

Một số chương trình game show do các đài truyền hình tự xây dựng, tự dàn dựng thể hiện được nét duyên dáng riêng của một vùng đất hay giới thiệu được nét đặc sắc văn hóa làng nghề qua trò chơi v.v… nhưng lại thiếu tính mạch lạc.

Chúng tôi cho rằng trong tương lai, nếu kết hợp được cả yếu chặt chẽ và sự gần gũi, các game show Việt Nam sẽ tạo được một bản sắc riêng.

KIM - HÀ - HẠNH

Tin cùng chuyên mục