Nhập khẩu tăng khủng
Lần theo dấu vết rác thải nhựa và giấy cũ mà các nước G7 xuất khẩu, báo Financial Times phát hiện ra rằng số lượng rác chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á đã tăng vọt. Trong vòng vài tháng, Malaysia đã trở thành quốc gia nhập rác thải nhựa hàng đầu với khối lượng cao gấp đôi lượng nhập của Trung Quốc và Hồng Công. Từ năm 2017 đầu năm 2018, lượng rác nhựa ở Indonesia tăng vọt 56%, nhưng nhiều nhất là Thái Lan, với mức tăng 1.370%. Theo tờ South China Morning Post, số lượng rác khổng lồ chuyển hướng sang Đông Nam Á. Hiệp hội Tái chế quốc tế BIR (trụ sở ở Bỉ) ước tính Malaysia nhập khẩu 450.000 tấn (năm 2016 là 200.000 tấn) và Indonesia nhập 200.000 tấn (năm 2016 là 120.981 tấn).
Từ đầu năm 2018, Trung Quốc đã cấm nhập rác và Đông Nam Á trở thành nơi thu nhận phế thải của các nước phát triển trong điều kiện môi sinh và vệ sinh kém. Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy mỗi năm có hơn 270 triệu tấn rác được xử lý trên thế giới. Từ khi có quy định sàng lọc rác trong những năm 1980 thì việc xử lý rác được rao bán như là giải pháp cho số rác ngày càng lớn được thải ra. Đây cũng là một công việc kinh doanh trị giá tới 175 tỷ EUR (200 tỷ USD) trên toàn cầu.
Trung Quốc từng là trung tâm xử lý rác thải quốc tế nhưng vào năm 2018, nước này đã quyết định không nhận vật liệu để xử lý với lý do là phần lớn vật liệu này bẩn hoặc nguy hiểm, đe dọa cho môi trường. Trung Quốc và đặc khu hành chính Hồng Công từ chỗ mua đến 60% lượng rác thải nhựa từ các nước thuộc G7 trong 6 tháng đầu năm 2017 thì một năm sau chỉ còn nhập khoảng 10%. Trước khi ban hành lệnh cấm, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 7 triệu tấn rác nhựa hàng năm, trị giá trên 6 tỷ USD. Chủ tịch Ủy ban Phụ trách rác thải nhựa tái chế của BIR Surendra Patawari Borad cho biết, các công ty tái chế, xử lý rác ở Đông Nam Á đang nhập khẩu ồ ạt rác thải, họ còn được nhà đầu tư và doanh nghiệp Trung Quốc hỗ trợ, lập công ty liên doanh… Tuy nhiên, ông Borad cảnh báo, Đông Nam Á không có đủ cơ sở hạ tầng và năng lực tiếp nhận lượng rác thải khổng lồ này.
Chật vật xử lý
Do không có đủ cơ sở và năng lực xử lý rác thải nhựa hoàn thiện, các nước Đông Nam Á nhập khẩu rác thải nhựa từ các nước phát triển đang phải hứng chịu vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Thái Lan Surasak Karnjanarat mới đây cho biết, cơ quan chính phủ Thái Lan đã hình thành nghị quyết sẽ cấm nhập khẩu rác thải nhựa nước ngoài từ năm 2021. Malaysia cũng bắt đầu nói không với nhập khẩu rác thải nhựa nước ngoài, từ tháng 9-2018, chính phủ nước này đã điều chỉnh yêu cầu liên quan về giấy phép nhập khẩu rác thải nhựa.
Indonesia hiện trở thành quốc gia đứng thứ hai thế giới về lượng rác nhựa thải ra môi trường biển gây ô nhiễm (3,2 triệu tấn/năm). Người dân đất nước này tiêu thụ trên 1 triệu sản phẩm nhựa/phút, với phân nửa là vật dùng một lần như túi nylon, ống hút, muỗng, chai nước, bao bì thực phẩm và đa phần được vứt vào bãi rác thải, không phân loại để tái chế.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu giảm 70% lượng rác nhựa thải xuống đại dương vào năm 2025. Indonesia cũng tiến hành chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất túi bằng những vật liệu thay thế khác, chẳng hạn rong biển và bột sắn. Mới đây, công ty khởi nghiệp Evoware ở thủ đô Jakarta đã ra mắt màng bọc thực phẩm có thể ăn được, nhựa tự hủy và bao bì làm bằng tảo biển. Trong khi đó, thành phố Bitung khuyến khích người dân đổi rác nhựa lấy gạo tại các siêu thị.