Mòn mỏi xin xây nhà sơ chế, nhà kho

Rất nhiều cuộc họp, nhiều giấy mực kiến nghị nhưng hồ sơ xin xây dựng nhà sơ chế, nhà kho chứa vật tư trên đất nông nghiệp của các hợp tác xã (HTX) đến nay vẫn chưa có lời giải.
Trang trại rau hữu cơ Nhất Thống (huyện Nhà Bè) vẫn chưa xây dựng được nhà sơ chế
Trang trại rau hữu cơ Nhất Thống (huyện Nhà Bè) vẫn chưa xây dựng được nhà sơ chế

Nói dễ - xin khó

Ròng rã nhiều năm cầm đơn đi xin địa phương, sở ngành và HĐND TPHCM hỗ trợ xây dựng nhà sơ chế, nhà chứa vật tư trên đất nông nghiệp, nhưng nay HTX Nông nghiệp Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Phước An (huyện Bình Chánh, TPHCM ) đã quyết định không đi xin phép nữa. Trải qua nhiều năm, nhà sơ chế của HTX đã quá cũ, đồng thời diện tích quá nhỏ so với quy mô sản xuất nhưng không thể mở rộng thêm. Trong khi đó, quy định đạt tiêu chuẩn VietGAP cần phải có nhà kho, nhà sơ chế tại chỗ; nếu có nhà kho sẽ giảm sức lao động cho nông dân, do mỗi lần sản xuất phải mang từng cái cuốc, máy phun thuốc… ra ruộng. 

Ông Đào Thanh Đức, Phó Giám đốc HTX Phước An cho hay, vừa qua UBND huyện Bình Chánh truyền đạt hướng dẫn của Sở Xây dựng TPHCM phải chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác thì xây dựng được, nhưng cũng vướng Luật Đất đai! Cụ thể, muốn mở rộng nhà sơ chế, HTX buộc phải tháo dỡ toàn bộ nhà sơ chế cũ (thuộc diện xây dựng không phép) trả lại hiện trạng ban đầu là đất trống, mới được chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác. Tìm địa điểm khác thì được Phòng TN-MT của huyện Bình Chánh cho biết không đúng quy hoạch đất nông nghiệp khác nên không chuyển đổi.

Đồng cảnh ngộ, ông Trần Văn Chánh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thương mại - Dịch vụ Phú Lộc, cho biết muốn chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác thì cơ sở hạ tầng trên đất phải trả nguyên trạng, trong khi hầu hết đất canh tác hiện nay là đất thuê của người dân, càng tăng độ khó trong thủ tục. Ngay tại vùng sản xuất của HTX trên địa bàn xã Tân Quý Tây (huyện Bình Chánh), xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) cũng vướng quy hoạch đất dự trữ nông nghiệp không cho chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác. Những vị trí đất sạch cho chuyển đổi lại không thuận lợi do nằm xa vùng sản xuất.

Đại diện trang trại hữu cơ Nhất Thống (huyện Nhà Bè) cho rằng, sản xuất sạch cần công trình phục vụ hỗ trợ chuyên biệt, liên hoàn, khép kín như nhà phủ màng, nhà kính, nhà sơ chế, nhà kho để khai thác tối đa hiệu suất sử dụng đất, liên kết kiểm soát hoàn toàn điều kiện nuôi trồng, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, xây dựng công trình trong một trang trại nông nghiệp là điều khá mới mẻ, chưa có tiền lệ; cũng như chưa có quy định chính thức, nên trang trại vẫn chưa xin được giấy phép xây dựng nhà sơ chế và gây khó khăn cho chuỗi liên kết. Vì vậy, rất mong chính quyền tạo điều kiện để có thể xây dựng được công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hướng dẫn xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp

Vừa qua, UBND TPHCM giao Sở Xây dựng lấy ý kiến của các sở ngành và địa phương để soạn dự thảo xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp trình UBND TP. UBND huyện Nhà Bè đã đề xuất theo hướng công trình hỗ trợ cho nông nghiệp chỉ chiếm 5% toàn diện tích sản xuất để dễ quản lý, thuận tiện cấp phép và tránh được tình trạng biến tướng. Thực tế, xây dựng công trình hỗ trợ nông nghiệp đang vướng Luật Đất đai và Luật Xây dựng. Cho nên, Sở TN-MT cần có hướng dẫn, cập nhật biến động đăng ký chuyển đổi sang nông nghiệp khác. Sở Xây dựng hướng dẫn xây dựng từng hạng mục, mật độ… Cũng vướng về chuyển đổi, UBND huyện Củ Chi cho biết, đã đề xuất UBND TP tăng diện tích đất nông nghiệp khác gấp 5 lần so với diện tích cũ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xin phép.

Nhận thấy chuyển đổi mục đích đất vướng phần lớn do là thuê đất để sản xuất, Sở NN-PTNT kiến nghị, không yêu cầu chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác mà yêu cầu chủ đầu tư lập phương án sản xuất trên đất nông nghiệp và gửi các cơ quan chức năng để phê duyệt.

“Thực tế là quy hoạch luôn đi sau sự phát triển, do vậy có nhiều điểm đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư. Để quản lý dễ nhất cần có một thiết kế chung cho nhà sơ chế, nhà kho nhằm tránh tình trạng biến tướng và thuận tiện giám sát, kiểm tra”, ông Trần Trường Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, góp ý.

Hiện nay, việc chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác cũng phải xem quy hoạch và mật độ xây dựng. Nhưng theo quan điểm của một chuyên gia, ngoài đất rừng, đất lúa và đất sản xuất đảm bảo tình hình an ninh lượng thực, còn các loại đất nông nghiệp nên tạo điều kiện cho việc chuyển đổi sang mục đích đất nông nghiệp khác.

Song song đó, các địa phương cần có phương án tăng thêm diện tích đất nông nghiệp khác; quan trọng, cách quản lý, giám sát tránh tình trạng biến tướng. Thực tế đã có tỉnh Lâm Đồng làm được vấn đề này nên nông nghiệp rất phát triển, đạt hiệu quả cao.

Theo Sở Xây dựng TPHCM, đây là nhu cầu thực tế của nông dân, doanh nghiệp, HTX đang sản xuất trên đất nông nghiệp vùng đô thị hóa, nhưng phải xây dựng trên đất nông nghiệp khác mới đúng quy định pháp luật. Trong tháng 12-2018, sở sẽ trình dự thảo cho UBND TPHCM xem xét ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp.

“Hiện nhiều quy định pháp luật có liên quan như đất đai, xây dựng chưa cụ thể, nên mỗi địa phương làm mỗi cách khác nhau. Để tránh tình trạng biến tướng, sở đề nghị địa phương nâng cao vai trò thẩm định về phương án sản xuất nông nghiệp. Sau đó, mặt trận, đoàn thể, địa chính và thanh tra sở… cũng phải giám sát”, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho hay.

Tin cùng chuyên mục