Thỏa thuận tạm thời về hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (5 nước thường trực HĐBA LHQ+Đức) đem lại một tia hy vọng mới trong quan hệ giữa phương Tây và Iran, mở ra triển vọng nới lỏng cấm vận kinh tế Tehran. Tuy nhiên, khác với tâm trạng tích cực của Nhà Trắng, thỏa thuận trên đang gặp cản ngại không nhỏ: sự phản đối từ các nghị sĩ Mỹ và từ đồng minh thân cận Israel. Nhà Trắng muốn Quốc hội Mỹ tạm thời ngừng các biện pháp cấm vận mới với Iran trong thời gian 6 tháng tới theo thỏa thuận.
Nhưng các nghị sĩ Mỹ không nghĩ như vậy. Nhiều nghị sĩ công khai cho biết tiếp tục chuẩn bị các biện pháp cấm vận Iran khi mà chữ ký trên bản thỏa thuận chưa ráo mực. Thượng nghị sĩ Robert Menendez, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, phát biểu trên tờ Washington Post rằng thỏa thuận không đủ mạnh để buộc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân và Thượng viện Mỹ sẽ không từ bỏ kế hoạch soạn thảo thêm các biện pháp siết chặt cấm vận Iran khi thỏa thuận trên không được Iran tuân thủ. Thậm chí, Thượng nghị sĩ Charles E. Schumer còn cho biết, Thượng viện sẽ tiếp tục thảo luận các biện pháp siết chặt lệnh cấm vận Iran vào kỳ họp tháng 12 tới.
Về mặt pháp lý, Tổng thống Mỹ Barack Obama có quyền nới lỏng cấm vận kinh tế chống Iran mà không cần phải thông qua Quốc hội, song ông cũng phải thận trọng trước thế lực của các nhóm ủng hộ Do Thái, nếu không có thể ông sẽ bị quy kết bỏ rơi đồng minh Israel. Hơn thế nữa, theo nguyên tắc “có đi, có lại”, nếu Tổng thống Barack Obama đơn phương nới lỏng cấm vận Iran, Quốc hội Mỹ sẽ tìm cách gây khó cho ông ở nhiều dự luật khác.
Từ lâu, Israel luôn quan niệm rằng phải dùng biện pháp quân sự để giải quyết tận gốc vấn đề hạt nhân của Iran hoặc Iran phải tuyên bố từ bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân. Vì vậy, nói như Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, thỏa thuận tạm thời về vấn đề hạt nhân của Iran là “sai lầm lịch sử”. Theo ông, thông qua thỏa thuận này, “thế giới đã trở thành một nơi nguy hiểm hơn nhiều bởi vì chế độ nguy hiểm nhất trên thế giới (Iran) đã tiến một bước quan trọng hướng tới việc sỡ hữu các vũ khí nguy hiểm nhất trên thế giới”. Bộ trưởng Tình báo Israel Yuval Steinitz cho rằng thỏa thuận tạm thời với Iran tương tự như thỏa thuận thất bại năm 2007 với CHDCND Triều Tiên, đưa Iran “tiến gần hơn đến chế tạo bom hạt nhân”. Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman công khai cho rằng thỏa thuận này thúc đẩy Israel vào một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới.
Truyền hình Nga Russia Today dẫn lời chuyên gia về quan hệ Mỹ - Iran, bà Soraya Sepahpour Ulrich, cho rằng nước Mỹ không phải chỉ do tổng thống và chính phủ điều hành mà còn nhiều thế lực khác nữa. “Các nhóm vận động hành lang và các nghị sĩ trong giai đoạn này còn quyền lực hơn cả Tổng thống Obama. Vì vậy, nghĩ rằng mọi thứ sẽ thay đổi ngay bây giờ sau thỏa thuận ban đầu với Iran là quá chủ quan. Mất 34 năm để biến Iran thành kẻ thù, sẽ không dễ dàng trở thành bạn trong một sớm một chiều” - bà Ulrich nói.
Quả thật là quyền lực của Tổng thống Mỹ đang bị Quốc hội chi phối mạnh, nhất là trong giai đoạn nợ công đang ở mức cao hiện nay. Vụ Chính phủ Mỹ phải đóng cửa gần 2 tuần hồi đầu tháng 10 là một minh chứng. Thêm nữa, Quốc hội Mỹ cũng đã ngăn Tổng thống Obama tấn công Syria. Vì vậy, những gì Nhà Trắng cho là thành công càng mong manh hơn.
THỤY VŨ
>> Thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân của Iran