Moody’s lại làm khó châu Âu

Châu Âu - thị trường mong manh
Moody’s lại làm khó châu Âu

Hãng Reuters ngày 16-2 đưa tin, hãng xếp hạng Mỹ Moody’s đã cảnh báo sẽ tiếp tục hạ bậc tín dụng của 17 ngân hàng tài chính toàn cầu và 114 tổ chức tín dụng châu Âu. Động thái mới này cho thấy sự ảnh hưởng từ những khoản nợ công của các nước châu Âu đang lan rộng ra hệ thống tài chính toàn cầu.

Người dân Hy Lạp mệt mỏi trong cuộc biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ.

Người dân Hy Lạp mệt mỏi trong cuộc biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ.

Châu Âu - thị trường mong manh

Số tổ chức tài chính bị Moody’s liệt kê vào dạng “cần theo dõi” đều nằm ở châu Âu, đứng đầu ở Italia 24 tổ chức, Tây Ban Nha đứng thứ 2 với 21. Sau đó là Pháp, Anh, Áo, Đan Mạch, Đức, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Thụy Điển… Trước đó,  Moody’s đã hạ bậc của  Italia, Malta, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia và Tây Ban Nha, trong khi 3 quốc gia khác Áo, Pháp và Anh bị đổi sang mức tiêu cực.

Moody’s tuyên bố các yếu tố chính dẫn tới những thay đổi trong xếp hạng tín dụng là do những kế hoạch của khu vực đồng euro (eurozone) về cải cách thể chế hệ thống tài chính và kinh tế khu vực chưa có dấu hiệu khả quan. Châu Âu đang đối mặt với một thị trường mong manh và triển vọng kinh tế vĩ mô ngày càng yếu đi.

Động thái này tiếp sau những sự hạ bậc xếp hạng tín dụng tương tự với các nước châu Âu gần đây của tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch và Standard & Poor. Sự cảnh báo của Moody’s đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về khả năng tài chính thật sự của các khu vực eurozone sau thời gian dài tìm cách thoát khỏi nợ công thông qua những biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc khổ.

30% khả năng tan rã

Sau nhiều vòng thảo luận, ngày 16-2, tại Hy Lạp, quốc gia đang cần giải cứu khẩn cấp trong khu vực eurozone đã đáp ứng 2 điều kiện cuối cùng để được nhận gói cứu trợ vỡ nợ thứ hai từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Chính phủ Hy Lạp quyết định cách thức khỏa lấp phần thiếu hụt lên tới 325 tỷ EUR trong tổng số 3,3 tỷ EUR mà EU và IMF yêu cầu Athens phải tiết kiệm thêm trong ngân sách năm nay, để đổi lấy gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ EUR tối cần thiết đối với Hy Lạp từ 2 thể chế này.

Theo chính sách mới, các công chức nhà nước sẽ bị cắt giảm 22% mức lương. Tuy nhiên, theo các nguồn tin EU, một số lãnh đạo trong eurozone nghi ngờ khả năng Hy Lạp có thể thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm đưa tỷ lệ nợ công từ 160% GDP hiện nay xuống 120% vào năm 2020. Quyết định về gói cứu trợ mới dành cho Hy Lạp sẽ được thảo luận vào ngày 20-2 tới.

Trong báo cáo dự báo kinh tế thế giới hàng tháng vừa công bố, bộ phận phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) thuộc tạp chí The Economist cho rằng có nhiều diễn biến giúp làm dịu phần nào những rủi ro đối với kinh tế toàn cầu, song cho rằng 2012 vẫn là một năm bất ổn đối với nền kinh tế toàn cầu. Trái ngược với đánh giá của Moody’s, EIU nhận định, những tuần gần đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bơm gần 500 tỷ EUR vào hệ thống ngân hàng châu Âu. Các khoản cho vay giá rẻ, không giới hạn trong 3 năm của ECB dành cho các ngân hàng tại eurozone đã giúp giảm áp lực vốn đối với các ngân hàng và làm lãi suất trái phiếu chính phủ, đặc biệt là của Italia và Tây Ban Nha, giảm xuống, qua đó giúp nợ nần của những nước này dường như ổn định hơn.

Trước những động thái của ECB và phản ứng của các thị trường, EIU đã hạ thấp khả năng eurozone tan vỡ từ 40% xuống 30%. Tuy vậy, EIU vẫn duy trì khả năng eurozone tan rã ở mức trên để nhấn mạnh rằng mối đe dọa đối với sự tồn tại của đồng tiền chung này vẫn chưa qua.

Thanh Hằng

Cơ quan Thống kê quốc gia Italia (ISTAT) vừa xác nhận nền kinh tế lớn thứ 3 của eurozone đã rơi vào suy thoái do sự sụt giảm về các hoạt động công nghiệp và sự trì trệ trong khu vực dịch vụ.

Nền kinh tế Italia trong quý 4-2011 đã tăng trưởng -0,7% so với quý trước đó. Trong quý 3-2011, nền kinh tế Italia cũng đã tăng trưởng -0,2%. Thông thường, việc tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp được các nhà kinh tế coi là dấu hiệu kỹ thuật cho thấy một nền kinh tế đã chính thức rơi vào suy thoái. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Italia cho biết nợ công của nước này đã tăng thêm 55 tỷ EUR (tức 2,98%), lên tới gần 1.898 tỷ EUR vào tháng 12-2011.

H.Chi

Tin cùng chuyên mục