Chỉ 9 tháng làm quen với môn võ truyền thống của Philippines, nhưng trong vòng một tuần lễ, các võ sĩ Việt Nam đã làm rung chuyển làng Arnis khi cùng đoạt đến 3 chiếc HCV với chủ nhà tại SEA Games 23 và leo lên vị trí cao nhất tại giải mời VĐTG lần 1 ngay trên quê hương môn võ gậy.

Đội tuyển Arnis Việt Nam tại SEA Games 23. Ảnh: Quang Thắng
Khoảng 1 năm trước SEA Games 23 (vào 6-2004), khi nước chủ nhà Philippines thông báo sẽ đưa môn Arnis vào thi đấu chính thức tại Đại hội, ngành thể thao Việt Nam mới bắt đầu định hình bộ khung của đội tuyển Arnis Việt Nam và bắt tay vào làm quen với môn võ thuật này.
Trong đó, thành phần đội dự tuyển từ HLV đến VĐV toàn là những gương mặt quen thuộc của môn… Pencak Silat và võ cổ truyền “nhập cư” sang. Để cập nhật những đòn thế và luật lệ mới nhất của Liên đoàn Arnis thế giới, BHL đội Arnis Việt Nam đã cử đại diện sang Philippines tham dự lớp tập huấn HLV lẫn trọng tài để về phổ biến cho các học trò. Sau một thời gian “tự học”, bước ngoặt của Arnis Việt Nam bắt đầu vào tháng 2-2005 khi chuyên gia Ruel A Gat của Philippines sang huấn luyện.
Với vốn liếng khiêm tốn như thế, thầy trò Arnis Việt Nam đến SEA Games 23 - nơi đất tổ của môn võ này mà cứ như cậu nhà quê ra tỉnh. Thế nhưng “anh nhà quê” ấy với Nguyễn Quang Tùng, Nguyễn Thị My, Nguyễn Thanh Quyền cùng các đồng đội đã làm các chuyên gia và người hâm mộ Philippines bất ngờ đến kinh ngạc khi đoạt đến 3 HCV, 3 HCB, sánh ngang cùng nước sản sinh ra môn võ này. Rồi chỉ vài ngày sau, các võ sĩ Việt Nam lại tiếp tục gây chấn động khi vượt qua 10 quốc gia trên thế giới và chủ nhà để giành ngôi quán quân tại giải mời thế giới lần thứ 1 với 9 HCV và 2 HCB.
Trong khu vực ĐNÁ hiện nay, ngoài quốc tổ của môn này là Philippines thì chỉ có Việt Nam, Đông Timor và Campuchia tham gia tập luyện và thi đấu. Thế nhưng, Trưởng bộ môn Arnis UBTDTT là ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết đang có kế hoạch trình UBTDTT để có chiến lược phát triển và nhân rộng môn này tại Việt Nam.
Điều cần lưu ý là với ưu thế của nước chủ nhà nên lần đầu tiên môn võ gậy được Philippines đưa vào chương trình thi đấu, nhưng môn thể thao này có thể sẽ biến mất tại những kỳ Đại hội tới như một số môn “quí hiếm” trước đây. Vì thế, việc có nên duy trì và phát triển môn Arnis tiếp hay không thì cần có cái nhìn tỉnh táo và có sự hoạch định rõ ràng, bởi không nên cứ thấy có lợi trước mắt là lao vào theo kiểu “được chăng hay chớ” như tình trạng một số môn thể thao hiện nay ở nước ta.
PHẠM HÀ