Một cách làm mềm lịch sử

Tên là “Đường mòn lịch sử” nhưng tủ sách này lại mở ra những con đường mới. Vốn đam mê khám phá ý nghĩa của các địa danh, cái mà các nhà khoa học gọi là từ nguyên học, nên khi thấy tên cuốn sách Đường tới Bờ Rạ, tôi háo hức đọc ngay.
Một cách làm mềm lịch sử

Tên là “Đường mòn lịch sử” nhưng tủ sách này lại mở ra những con đường mới. Vốn đam mê khám phá ý nghĩa của các địa danh, cái mà các nhà khoa học gọi là từ nguyên học, nên khi thấy tên cuốn sách Đường tới Bờ Rạ, tôi háo hức đọc ngay.

Câu chuyện bắt đầu bằng một giả thuyết. Tiến sĩ Andrew Hardy, Trưởng đại diện Trung tâm trường Viễn Đông bác cổ Pháp tại Hà Nội, đang ngồi đọc tài liệu thời Pháp thuộc ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, thấy một tài liệu nhan đề Phái 3.000 cu li đến Thái Nguyên để phát triển một số vùng đất. Bên trong là một công văn gửi công sứ tỉnh này do một chủ đồn điền ký. Ông này là chủ công ty Pháp khai thác thuộc địa Trung - Bắc kỳ (SAFCAT). Công văn làm năm 1932 để trả lời yêu cầu cung cấp đất định cư cho những công nhân mỏ trước đây. Trong công văn ghi, SAFCAT nhận 100 công nhân và cả gia đình của họ với điều kiện “kiểm tra nguồn gốc và nhất là đạo đức của họ”.

Hai cuốn sách của tủ sách “Đường mòn lịch sử” do Nhà xuất bản Tri thức ấn hành.

Hai cuốn sách của tủ sách “Đường mòn lịch sử” do Nhà xuất bản Tri thức ấn hành.

Ít lâu sau, trong một bữa trưa, tình cờ Andrew Hardy được ông Đào Hùng tiết lộ rằng ông André de Monpezat là một trong những chủ đồn điền lớn nhất Đông Dương. Và trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông Hùng đã ở một ngôi làng trước đây ông Monpezat sở hữu. Ngôi làng nằm ở một nơi tuyệt đẹp, rợp bóng mát bên bờ sông Công ở tỉnh Thái Nguyên ấy, có tên là Bờ Rạ. Những câu nói của ông Hùng lập tức khiến Andrew tò mò. Andrew nghĩ: “Những người thợ mỏ trong tài liệu mình vừa đọc có phải đến ở ngôi làng này không? Tại sao đến nay vẫn có một ngôi làng Việt Nam lại mang tên một người Pháp?” Thế là Andrew lên Thái Nguyên.

Ngược xuôi qua bốn huyện của tỉnh Thái Nguyên, đầu tiên Andrew mò mẫm hỏi nơi tọa lạc của ngôi làng. Mỗi người một phách, người bảo xuống Đồng Hỷ, kẻ chỉ sang Phú Lương, người bảo vào Đại Từ, người mách ở Phổ Yên. Gặp những người dân để nghe họ kể về quá trình di cư, mưu sinh, định cư, mỗi người mỗi cảnh, mỗi tính cách, mỗi số phận đã cho anh những cảm nhận về một giai đoạn lịch sử, về mối quan hệ giữa con người với cảnh quan. Và cuối cùng là nguồn gốc cái tên Bờ Rạ. Ông Ba, người Sán Dìu, gán cho nó một nghĩa tiếng Việt, Bờ là “bờ ruộng”, Rạ là “lúa rạ”. Mẹ của ông Bình, người Kinh, cho rằng nó là tiếng dân tộc. Còn một nhà nghiên cứu người Anh lại khẳng định nó bắt nguồn từ tên tiếng Pháp. Hành trình hỏi han, chiêm nghiệm của Andrew cuối cùng cũng có kết quả. Ngôi làng Bờ Rạ hiện nằm dưới đáy hồ núi Cốc, cách Hà Nội khoảng 100km. Và cái tên Bờ Rạ có được là do dân làng biến âm từ Monpezat thành Pezat; rồi vì không phát âm được chữ p, nên phải chuyển thành chữ b...

Đọc 120 trang sách ghi lại hành trình của Andrew, tôi hứng thú nhớ đến câu: Ra đi gặp vịt cũng lùa/ Gặp sông cũng lội/ Gặp chùa cũng tu và câu: Hạnh phúc là đường đi chứ không phải đích đến. Quả vậy, từng việc anh làm, từng người anh gặp đều là những câu chuyện cuốn hút.

Đọc Chuyện Thăng Long - Hà Nội qua một đường phố của Đặng Phong, tôi cũng có cảm giác ấy. Từ một bữa bia hơi ở trước cửa ga Hàng Cỏ, ông nảy ra ý định chọn đường Lê Duẩn rồi đi men theo nó, cả về không gian và thời gian. Ông nhẩn nha kể cho chúng ta nghe chuyện về cửa Đại Hưng của thành Thăng Long đời Lý, chàng cắt cỏ trở thành ông tiến sĩ, quán phở gà bà Lâm rồi đến việc năm 1987, con đường được mang tên cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Qua 192 trang sách, “điều tác giả muốn nói không phải là về lịch sử những con đường, mà là những con đường tiếp cận lịch sử. Mỗi đường phố thường có nhiều ngóc ngách, nhiều chỗ rẽ, nhiều ngõ cụt, nhiều đường ngang, lối tắt. Những con đường lịch sử lại càng thế. Thời gian chứa đựng không ít mê cung, mà sử học là sự phiêu lưu, tìm kiếm”.

Đường tới Bờ Rạ và Chuyện Thăng Long-Hà Nội qua một đường phố nằm trong tủ sách Đường mòn lịch sử do Tiến sĩ Andrew Hardy - Trưởng đại diện Trung tâm trường Viễn Đông bác cổ Pháp tại Hà Nội, biên soạn. Ông Françiscus Verellen, Giám đốc Viện Viễn Đông bác cổ Pháp, cho rằng: “Lần theo những con đường lịch sử - dĩ nhiên theo nghĩa rộng thì nó bao trùm cả dân tộc học và khảo cổ học, khám phá ra những dự định, những hy vọng của những người đàn ông và phụ nữ, những người đã ấp ủ chúng thành hình và đã để lại những vết tích nơi đó. Đây cũng chính là khuynh hướng làm sử theo tinh thần của tủ sách mới này”.

Với Đường mòn lịch sử, những người làm sách hy vọng mở ra một phương pháp nghiên cứu mới, khuyến khích bạn đọc tìm cho mình một phong cách mới, tránh những lối mòn trong nghiên cứu sử học.

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục