Đã lâu lắm công chúng mới thấy lại không khí sôi động thực sự qua cuộc thi tìm hiểu “Lịch sử phong trào đấu tranh cách mạng của phụ nữ Nam bộ” do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp cùng Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức.
Hội trường của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ có sức chứa trên 600 người phút chốc đã không còn chỗ trống ngay từ sớm, không ít bạn trẻ phải cố chen chân mới vào được để cổ động cho đội nhà thi đấu. 21 đội thi là các học sinh khối trung học cơ sở đến từ 21 quận, huyện TPHCM đã phần nào nói lên sức hút của một cuộc thi mà lần đầu tiên bảo tàng tổ chức thực hiện. Đáng ghi nhận, để lồng ghép những kiến thức văn hóa, kinh tế, địa lý, âm nhạc, văn học nghệ thuật, đặc biệt là lịch sử vào nội dung cuộc thi, ban tổ chức đã khá kỳ công tuyển chọn bộ những câu hỏi có liên quan đến nhiều sự kiện lịch sử xuyên suốt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước; trong đó nổi bật vai trò quan trọng và những đóng góp không nhỏ của phụ nữ Nam bộ.
Thông qua hình thức thi trắc nghiệm, từng lĩnh vực, sự kiện lịch sử đã được xâu chuỗi, tái hiện sinh động, đầy lôi cuốn từ khởi nghĩa Nam kỳ, Nam bộ kháng chiến, phong trào Đồng khởi đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, chiến dịch Hồ Chí Minh làm nên đại thắng mùa xuân 1975... Những con người, những câu chuyện từ lịch sử tưởng chừng như khô khan lại được các bạn trẻ hào hứng, bấm chuông trả lời để tranh từng điểm một. Chiến thắng áp đảo và thuyết phục khi tạo cách biệt đến vài chục điểm, Trường THCS Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình giành ngôi vị cao nhất đã khiến các cổ động viên vỡ òa vui sướng.
Cuộc thi vừa khép lại nhưng đã mở ra những cách nhìn mới, những cách làm mới để thu hút công chúng, nhất là giới trẻ đến với bảo tàng. Nhiều năm qua, từ chương trình phát động của Bộ GD-ĐT, Bộ VH-TT-DL và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về xây dựng phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực, tại TPHCM đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo rất đáng khích lệ. Với rất nhiều trường đại học, học sinh các khối từ trung học phổ thông, trung học cơ sở đến tiểu học, những chương trình học ngoại khóa trực quan sinh động tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM, Bảo tàng Lịch sử TPHCM, Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh… đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến rõ nét. Từ thực tế này, trước nhất đòi hỏi hệ thống các bảo tàng tại TPHCM phải từng bước tự làm mới chính mình, cải thiện cách thức và nâng chất hoạt động, lấy công chúng làm trọng tâm, chủ động thiết lập các mối quan hệ để ngày càng thân thiện hơn và hướng đến cộng đồng.
Công bằng mà nói, ở các nước trong khu vực và trên thế giới, xu hướng hoạt động của hệ thống bảo tàng hiện đại là thân thiện, hướng đến cộng đồng. Không chỉ được quan tâm, được tổ chức thực hiện khoa học, bài bản, các nước còn đầu tư đúng mực cho việc này. Ngược lại ở nước ta, hệ thống bảo tàng trong cả nước nhìn chung còn trong điều kiện khá nghèo nàn, chắp vá; cơ sở vật chất lạc hậu, cũ kỹ do phần nhiều được cải tạo lại từ những mặt bằng sẵn có; nguồn kinh phí eo hẹp, hoạt động dàn trải. Nói như thế để thấy rằng, một cách làm mới, một nỗ lực thu hút công chúng của bảo tàng dù nhỏ cũng thật đáng trân trọng.
MINH AN