Ý tưởng đầu tiên cho ngày hội thể thao lớn nhất châu Á xuất phát từ các đại hội thể thao Viễn Đông, qui tụ 3 quốc gia gồm: Nhật Bản, Philippines và Trung Quốc. Đại hội diễn ra lần đầu vào năm 1913 tại Manila, Philippines và kéo dài đến năm 1938, tức trước chiến tranh thế giới thứ hai mới gián đoạn.

Khi chiến tranh kết thúc, các hoạt động thể thao cũng được nối lại và nhân dịp Olympic lần thứ 14 tổ chức tại London (Anh) vào năm 1948, đại diện Ấn Độ tại Ủy ban Olympic quốc tế, ngài Guru Dutt Sondhi đã mời tất cả các thành viên châu Á có mặt tại đại hội tham dự một cuộc họp quan trọng.
Tại đó, ông đưa ra ý tưởng tổ chức một đại hội thể thao châu Á, tức Asian Games, mà người ta còn gọi bằng một cái tên khác là Asiad.
Tháng Hai năm 1949, Liên đoàn thể thao châu Á được thành lập và quyết định tổ chức Đại hội thể thao châu Á lần đầu vào năm 1951 tại New Delhi, Ấn Độ, như là một cử chỉ đẹp đối với đất nước của người có công nghĩ ra ý tưởng tổ chức đại hội.
Trong suốt chiều dài lịch sử 65 năm, trãi qua 15 kỳ đại hội, thể thao Việt Nam đã tham dự 11 kỳ (vắng mặt tại các kỳ thứ 1, 2, 8 và 10). Nếu như trước năm 1975, việc tham dự đại hội chỉ đơn thuần là đại diện của các vận động viên thể thao của Sài Gòn thì từ đại hội lần 8, Việt Nam tự hào giới thiệu với bạn bè các nước hình ảnh một đoàn thể thao của một quốc gia độc lập, thống nhất và không ngừng phát triển.
Chúng ta không phủ nhận những thành tích sáng chói của các vận động viên đạt được ở các kỳ đại hội trước năm 1975. Đặc biệt ghi nhận hai chiếc huy chương vàng ở môn bóng bàn đồng đội nam và đôi nam, cùng huy chương đồng đôi nam đoạt được tại Asian Games 3.
Trong đó, chiến thắng ở trận chung kết của các tay vợt Việt Nam (Mai Văn Hòa, Lê Văn Tiết, Trần Cảnh Được) trước đội tuyển Nhật Bản, có mặt tay vợt vô địch thế giới Tanaka trong đội hình được báo chí chủ nhà đánh giá là “cơn địa chấn tại Tokyo”.
Tuy nhiên, trên bình diện chung, với 2 vàng, 1 bạc, 5 đồng qua 5 kỳ tham dự các kỳ Asian Games trước năm 1975 vẫn còn nhiều hạn chế về qui mô, tính đồng đều, sự phát triển toàn diện so với thể thao Việt Nam hiện nay. Sự đầu tư khi ấy còn thấp, chưa phân rõ mục tiêu, xác định đúng thế mạnh.
Sau lần hội nhập tại Asian Games 9, thể thao Việt Nam đã có những bước chuyển đáng kể. Từ tấm huy chương đồng lẻ loi, nhưng vô cùng quí giá trên bước đường khẳng định lại chính mình ở New Delhi của xạ thủ Nguyễn Quốc Cường, thể thao Việt Nam không ngừng phát triển cả về lượng lẫn về chất.
Tại Asian Games 12, chúng ta đã có vàng (võ sinh Trần Quang Hạ, môn Taekwondo hạng cân 58kg) và hai bạc (Phạm Hồng Hà và Phạm Hồng Thắm, môn Karatedo).
Đến Asian Games 13, chúng ta tiếp tục có vàng ở nội dung Taekwondo (võ sinh Hồ Nhất Thống, hạng cân 58kg), nhưng số bạc và đồng tăng lên đáng kể, với 4 bạc, 11 đồng.
Tại Asian Games 14, đoàn Việt Nam vươn lên đoạt 4 huy chương vàng (Lý Đức môn thể hình, Trần Đình Hòa môn Billiards, Vũ Kim Anh và Nguyễn Trọng Bảo Ngọc môn Karatedo), 7 huy chương bạc và 7 huy chương đồng. Thành tích vượt bậc này đưa đoàn Việt Nam lên hạng 15/39 đoàn đoạt huy chương, trong tổng số 44 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đại hội.
65 năm, một chặng đường dài, thể thao Việt Nam không ngừng vươn lên và khẳng định vị trí của mình trên đấu trường khu vực.
CÁC KỲ ASIAN GAMES |
MINH HÙNG