Một công trình mới về nghiên cứu tôn giáo

Một công trình mới về nghiên cứu tôn giáo

Những năm gần đây, việc xuất bản các sách liên quan đến tôn giáo có thể coi như một hiện tượng. Ngoài lượng sách xuất bản khá lớn của Nhà xuất bản (NXB) Tôn giáo, thì nhiều NXB khác trong nước như NXB Thuận Hóa, NXB Hà Nội, NXB Tổng hợp TPHCM, NXB Văn hóa Thông tin, NXB Trẻ... cũng có những ấn phẩm góp thêm vào loại sách mà cách đây không lâu còn rất hiếm thấy trên thị trường.

Nhưng chúng tôi cũng nhận thấy rằng ngoài số sách chiếm vị trí chủ yếu là sách kinh điển, giáo lý, thậm chí là những sách về sinh hoạt phụng vụ (là việc thi hành chức năng tư tế của Chúa Kito và Giáo hội), đời sống đạo đức tâm lý... của các tôn giáo, nếu không kể một số lượng sách cũng khá lớn khác về tín ngưỡng và lễ hội có liên quan, thì những sách có tính chất nghiên cứu cơ bản về tôn giáo học là rất ít.

Lẽ dĩ nhiên loại sách này cũng kén bạn đọc. Chủ yếu đó là những cuốn sách nghiên cứu hoặc dịch thuật để phục vụ cho giới nghiên cứu, cho việc giảng dạy đào tạo về tôn giáo học (mà giới chuyên môn còn thích dùng tên gọi khác khoa học về các tôn giáo) mà nhiều trường đại học, nhiều học viện đã có mã số chuyên ngành này.

Là người cũng có nghiên cứu và hiểu biết ít nhiều về vấn đề này, chúng tôi lấy làm tiếc rằng thị trường sách nước ta còn vắng thiếu những công trình như thế. Thật khó có thể tìm thấy một cuốn sách cơ bản như lịch sử về đạo Tin Lành hay Hồi giáo... cho bạn đọc phổ thông, chưa nói đến những vấn đề cơ bản trong nhận thức về tôn giáo thế giới và Việt Nam đương đại.

Rất mừng là NXB Tổng hợp TPHCM vừa cho ra mắt cuốn Nghiên cứu tôn giáo: Nhân vật và sự kiện (ảnh bìa sách) của GS-TS Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, một người đã nhiều năm gắn bó trong việc nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo tôn giáo học như tác giả tự bộc lộ trong lời nói đầu của cuốn sách.

Theo tôi hiểu, ẩn ý của cuốn sách đúng như tên của nó có hai chủ đích. Thứ nhất, với bút pháp theo kiểu lịch sử tư tưởng, ở đây trình bày khái quát lịch sử tư tưởng các tôn giáo và nhận thức tôn giáo.

Tác giả lựa chọn các nhân vật tiêu biểu ở nước ta từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nay, với vấn đề nhận thức về tôn giáo và những vấn đề tôn giáo trong lịch sử tư tưởng và xã hội ở Việt Nam. Điều thật thú vị trong cuốn sách này có lẽ là, lần đầu tiên bạn đọc được tiếp cận với những suy tư đóng góp về mặt “tôn giáo học” của những nhân vật tiêu biểu từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam như Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ đến những nhà trí thức yêu nước, các học giả nổi tiếng như Nguyễn An Ninh, Đào Duy Anh cho đến các nhân vật tôn giáo quan chức của triều đình như Trương Vĩnh Ký, Lê Văn Duyệt...

Thứ hai, trong phần 2 của tập sách là những vấn đề của tôn giáo đương đại mà tác giả gọi nó là Sự kiện, dĩ nhiên là Sự kiện tôn giáo như thuật ngữ của giới chuyên môn. Một loạt bài viết của tác giả trong khoảng 10 năm nay công bố trên các tạp chí chuyên ngành như Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Triết học, Tạp chí Khoa học Xã hội (kể cả Tạp chí Khoa học Xã hội vùng Nam bộ), Nghiên cứu Lịch sử, đặc biệt là Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, cũng có một số bài là tham luận của tác giả tại các hội nghị quốc tế ở Pháp, Mỹ, Trung Quốc.

Là người gắn bó với công tác nghiên cứu và giảng dạy về tôn giáo học, cũng như có điều kiện “sống trong” những sự kiện tôn giáo những năm gần đây, dù qua lối diễn đạt của bút pháp nghiên cứu nhưng độc giả cũng có thể ghi nhận ở đây nhiều thông tin cập nhật và lý thú từ những vấn đề trong cuộc đấu tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo nhân quyền, đến vấn đề hoàn thiện luật pháp tôn giáo ở Việt Nam.

Từ những vấn đề nóng hổi như chuyện đời sống tín ngưỡng tâm linh hiện nay đến những câu chuyện cụ thể như lễ hội, hành hương La Vang... cũng đã in dấu nhất định trong tập sách.

ĐỖ XUÂN TRƯỜNG ( Viện Khoa học Xã hội Việt Nam)

Tin cùng chuyên mục