(SGGPO).- Với 137 phiếu thuận, 12 phiếu chống, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 16-2 thông qua nghị quyết kêu gọi Tổng thống Syria Bashar Al-Assad ngừng ngay các cuộc tấn công vào lực lượng đối lập. Nga, Trung Quốc và Iran nằm trong 12 nước bỏ phiếu chống. 17 nước không tham gia bỏ phiếu.
Nghị quyết kêu gọi Syria ngừng ngay tất cả các vụ bạo động nhằm bảo vệ thường dân, thả tất cả những người bị bắt do tham gia vào các cuộc nổi dậy, rút tất cả quân đội ra khỏi những vùng thành thị và đảm bảo biểu tình tự do.
Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về Syria nói trên không có tính bắt buộc nhưng qua đó cho thấy đã có sự chia rẽ thật sự giữa các nước Arab. Nghị quyết do Ai Cập và Liên đoàn Arab (AL) đưa ra và được các nước phương Tây bảo trợ. Vì vậy, theo Phó Đại sứ của Syria tại LHQ, ông Bashar Jaafari, nghị quyết này đã “can thiệp vào vấn đề nội bộ của Syria” trong lúc Chính phủ Syria đang chiến đấu chống các “nhóm vũ trang khủng bố” và chuẩn bị cho một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp đa đảng mới. Ông dùng từ “con ngựa thành Troy” của thế giới Arab để nói về việc phương Tây lợi dụng AL nhằm “quốc tế hóa” vấn đề nội bộ của Syria. Đại sứ Iran tại LHQ Mohammad Khazaee cho rằng nghị quyết trên càng làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng của Syria cũng như toàn khu vực Trung Đông.
Sự chia rẽ trong AL đã được minh chứng qua nhiều sự kiện trước đây như 2 cuộc chiến của Mỹ tại Iraq và mới nhất là cuộc không kích của phương Tây vào Libya lật đổ Tổng thống Moanmar Gaddafi. Dễ thấy rằng, Mỹ và phương Tây từ lâu đã tạo lập được liên minh của mình ở Trung Đông, trong đó Saudi Arabia, Kuweit, Oaman…hầu như đa số các nước trong AL đều là đồng minh thân cận của họ. Ngay cả Ai Cập, đồng minh lâu đời của Mỹ thời Mubarak nay cũng đang cần tranh thủ sự ủng hộ của AL và Mỹ nên cùng đứng ra giới thiệu nghị quyết trên.
Vấn đề thứ hai nằm ở chỗ vì sao nghị quyết trên vẫn được đưa ra trong lúc Nga và Trung Quốc đang xúc tiến hàng loạt hoạt động ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề của Syria. Trung Quốc cử các phái viên tới Syria. Nga tập trung vào nỗ lực nhằm giúp Syria đề ra một dự thảo hiến pháp mới theo đó ủng hộ đa đảng và bầu cử tự do.
Vấn đề còn lại là phương Tây và AL sẽ xử lý như thế nào nếu chính phủ của Tổng thống Syria Assad không tuân thủ nghị quyết của Đại hội đồng LHQ? Một kịch bản giống Libya chăng? Có thể phương Tây và AL đã chứng minh được rằng họ đã hợp tác thành công trong việc lật đổ Tổng thống Libya Gaddafi giờ đây họ muốn tiếp tục chứng minh điều đó. Giải quyết vấn đề Syria xong thì vấn đề Iran sẽ dễ dàng hơn do ahi nước có mối quan hệ thân thiết trên cở sở Hồi giáo dòng Shiite. Một kịch bản bẽ gãy từng chiếc đũa.
Dù gì đi nữa, một khi Tổng thống Assad ra đi, tình hình Syria sẽ càng rối hơn. Chính các chính khách Mỹ đã công nhận điều này. Các quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ tiết lộ trên báo Washington Post số ra ngày 17-2 rằng lực lượng Al-Qaeda tại Iraq có thể sẽ tràn qua Syria một khi nước này có khoảng trống quyền lực. Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cũng đã nói trước Quốc hội như vậy. Nguy hiểm hơn nữa là kho vũ khí hóa học của Syria có thể rơi vào tay Al-Qaeda. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tỏ ra lo ngại khi ông cho rằng Al-Qaeda đang trà trộn vào thành phần đối lập tại Syria.
Quan chức Mỹ cho biết những vụ đánh bom nhắm vào lực lượng an ninh và tình báo của Syria ở Damascus hồi tháng 12-2011 và 2 vụ đánh mới đây tại thành phố Aleppo (thành phố lớn nhất của Syria) đều mang dấu ấn của Al-Qaeda.
Một kịch bản Libya đang có nhiều khả năng lập lại ở Syria nhưng hậu quả của nó đến nay chưa thấy các bên tính tới. Phải chăng, mục tiêu trước mắt chỉ là đánh đổ các chính phủ không nghe theo lời của phương Tây ?
Thụy Vũ