Một kỷ lục không dễ dàng

° Đạo diễn - NSƯT Nguyễn Hoàng Tuấn:
Một kỷ lục không dễ dàng

Vừa qua, Nhà hát Múa rối Thăng Long vinh dự đón nhận kỷ lục châu Á: “Nhà hát duy nhất tại châu Á biểu diễn múa rối nước 365 ngày trong năm”. Đây là điều vô cùng hiếm trong tình hình các đơn vị nghệ thuật biểu diễn nước nhà luôn luôn trong tình trạng thiếu vắng người xem. Điều gì đã làm nên thành công này? Chúng tôi đã có buổi trao đổi cùng đạo diễn - NSƯT - Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long Nguyễn Hoàng Tuấn (ảnh).

° PV: Để đạt được kỷ lục châu Á, chắc chắn nhà hát đã phải trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn. Vậy theo ông, khó khăn nhất và thành công nhất của nhà hát là gì?

° Đạo diễn - NSƯT Nguyễn Hoàng Tuấn: Khó khăn nhất của chúng tôi là chọn hướng đi và quyết tâm đầu tư cho hướng đi đã chọn. Vào những năm chín mươi của thế kỷ trước, giám đốc nhà hát lúc ấy là anh Lê Văn Ngọ đã quyết tâm đưa đoàn Rối Thăng Long (lúc ấy chưa thành nhà hát) đi theo hướng lấy biểu diễn rối nước là chính. Điều này không đơn giản chút nào, bởi thời gian ấy Nhà hát Múa rối Trung ương đang rất lừng lẫy với các chương trình rối nước, đồng thời liên tục được nước ngoài mời đi biểu diễn. Chúng tôi với lực lượng quá mỏng, có hơn chục người, trình độ nghề còn rất khiêm tốn, trang thiết bị phục vụ cho biểu diễn lại quá nghèo nàn... Còn thành công nhất là qua mọi thử thách, chúng tôi là một khối đoàn kết và thống nhất.

° Mỗi ngày biểu diễn 4-5 buổi, cứ như vậy đều đặn trong 365 ngày thì quả thực rất đáng khâm phục. Làm thế nào để nhà hát duy trì được như vậy, thưa ông?

° Ròng rã nhiều năm qua chúng tôi vừa biểu diễn đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách xem, vừa tự mình vượt lên chính mình, xây dựng lực lượng nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ của nhà hát. Từ chỗ chỉ có 12 diễn viên, đến nay nhà hát chúng tôi đã có 40 diễn viên giỏi nghề và giàu kinh nghiệm; đồng thời thành lập riêng một dàn nhạc với khá đầy đủ các nhạc cụ dân tộc. Quân số của nhà hát hiện nay hơn 100 người. Chúng tôi phân công biểu diễn theo hình thức cách nhật, tức diễn viên biểu diễn một ngày thì được nghỉ một ngày để tái tạo sức lao động; như vậy trong một tháng mỗi người chỉ phải biểu diễn 15 ngày và thu nhập bình quân trên dưới 20 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó mọi chế độ đều được đảm bảo hàng năm, như nghỉ phép, tham quan, nghỉ mát...

° Vấn đề đào tạo đội ngũ như thế nào?

° Trước kia chúng tôi tự đào tạo, nhưng những năm gần đây chúng tôi kết hợp chặt chẽ với Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Sinh viên được tuyển chọn sau đó sẽ về thực tập nghề tại nhà hát.

° Đối tượng khách đến xem có phải chỉ toàn người nước ngoài?

° Vâng, đối tượng chủ yếu là người nước ngoài đến Việt Nam, đến Hà Nội. Chúng tôi dành một buổi sáng chủ nhật hàng tuần biểu diễn phục vụ thiếu nhi, với giá vé giảm 50%.

Một tiết mục rối nước của Nhà hát Múa rối Thăng Long.

Một tiết mục rối nước của Nhà hát Múa rối Thăng Long.

° Làm sao nhà hát kéo được người nước ngoài đến rạp đông và đều đặn như thế? Và, làm sao để họ không chán “món ăn” mình bày ra?

° Để làm được điều này quả thực không dễ. Để được như hiện nay, nhiều thế hệ lãnh đạo nhà hát chúng tôi phải lao tâm khổ tứ cho bài toán khách đến rạp. Chúng tôi nhận được sự giúp đỡ rất lớn của ngành du lịch và các đại sứ quán. Vì thế, khách nước ngoài đến Việt Nam chưa được đi xem rối nước là còn cảm thấy thiếu hiểu biết về văn hóa, phong tục, nghệ thuật truyền thống chỉ Việt Nam mới có. Các tiết mục rối nước của chúng tôi được kế thừa, kế tục của hàng trăm tiết mục rối nước truyền thống. Song song, chúng tôi luôn luôn tìm tòi, nâng cao và phát triển các tiết mục mới. Hiện nay nhà hát có 3 chương trình rối nước lớn, đó là: Chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; chương trình Linh thiêng hai tiếng đồng bào (2 chương trình này đều đã đoạt huy chương vàng) và chương trình gồm các trò cổ được chắt lọc từ hơn 400 trò.

° Vẫn biết khách nước ngoài vô cùng thích thú với rối nước của Việt Nam, ông có thể nói đôi nét về họ?

° Quả thực tôi thấy rất tự hào vì Việt Nam có một loại hình nghệ thuật truyền thống hấp dẫn người nước ngoài đến thế. Có những vị khách xem đến vài lần vẫn không chán, họ bảo làm sao những con rối bằng gỗ kia lại được điều khiển dưới nước, lại vô cùng sinh động đến vậy. Qua xem, họ hiểu thêm văn hóa, phong tục của người Việt Nam với nền văn minh lúa nước...

° Ông có thể kể một số tiết mục rối nước mới sáng tạo của nhà hát?

° Chúng tôi có những tiết mục như: Rồng Tiên, Lên đồng, múa khèn ô của người Mông, múa Chăm của người Khmer, múa Lục cúng hoa đăng của xứ Huế, lễ hội đâm trâu, múa quạt... của đồng bằng Bắc bộ. Sắp tới chúng tôi sẽ khai thác tiếp văn hóa, phong tục của nông dân Bắc bộ, Nam bộ và những nét đặc sắc phản ánh sinh hoạt 4 mùa của nông dân....
 
° Như vậy liệu nhà hát có quá thiên về rối nước?

° Chúng tôi đi vững vàng cả hai chân. Rối cạn của chúng tôi cũng gặt hái nhiều thành công, như: Liên hoan Nghệ thuật Múa rối quốc tế năm 2010 tại Hà Nội, nhà hát giành huy chương vàng cho chương trình, cho âm nhạc, đạo diễn và nhiều huy chương các loại. Nhà hát có nhiều tiết mục rối cạn hấp dẫn và được người xem khen ngợi như Thánh Gióng, Nghêu Sò Ốc Hến, Câu chuyện tình, Ngàn vàng khôn chuộc, Huyền thoại Tiên Rồng, An Dương Vương...

° Câu hỏi cuối cùng, ông có thể cho biết nguyên nhân thành công của nhà hát?

° Tôi xin tóm gọn trong câu các cụ vẫn nói: Thiên thời-Địa lợi-Nhân hòa. Chúng tôi có một tập thể anh chị em giỏi nghề, tâm huyết, thông minh, đoàn kết và được sự quan tâm của thành phố.

° Cảm ơn ông. 

CAO MINH (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục