Một năm sau tái cơ cấu - Kết quả chưa thực sự rõ ràng

Lộ trình tái cơ cấu chậm
Một năm sau tái cơ cấu - Kết quả chưa thực sự rõ ràng

Ngày 6-4, Diễn đàn kinh tế Mùa xuân 2013 tiếp tục với những ý kiến đóng góp thích đáng cho tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Tại diễn đàn, nhiều ý kiến khẳng định, việc tái cơ cấu đáng ra phải tiến hành cách đây nhiều năm, tuy nhiên việc triển khai mà cụ thể là đề án tái cơ cấu quá chậm so với yêu cầu đặt ra.

Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa) do Tập đoàn Vinalines bị trì trệ, gây lãng phí lớn.

Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa) do Tập đoàn Vinalines bị trì trệ, gây lãng phí lớn.

Lộ trình tái cơ cấu chậm

Nguyên lãnh đạo một ngân hàng nhà nước nói rằng, chúng ta đã làm chậm cả 5 năm nay, nhưng chậm còn hơn là không làm gì. Chúng ta làm chậm nên phải làm sốt sắng, cấp tốc và toàn diện, có chiều sâu hơn chứ đừng để “ì” như thời gian qua. Nhiều đại biểu ngạc nhiên cho rằng, đề án tái cơ cấu kinh tế chỉ mới hoàn thành và phê duyệt cách đây chưa tròn hai tháng. Trong khi đó, chủ trương tái cơ cấu đã có cách đây nhiều năm.

Đại biểu Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, thẳng thắn đặt vấn đề, từ giữa năm 2008, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 12, bản thân ông cùng nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị phải tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế, không để chậm trễ nữa. Song, 5 năm sau Chính phủ mới có một đề án tái cơ cấu và chỉ mới phê duyệt hồi tháng 2. Chậm đã đành, đề án còn bị một số chuyên gia mổ xẻ, cho rằng có nhiều yếu tố không phù hợp với thực tế hiện nay và nhiều vấn đề được dựng lên trên nền tảng tư duy cũ.

Trong ngày làm việc thứ hai của diễn đàn, các vấn đề lớn trong tổng thể tái cơ cấu như đầu tư công, tài chính ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được các đại biểu tham gia nhiều ý kiến nhất.

Đại biểu đặt ra nhiều câu hỏi cho rằng, con số mà các ngành đưa ra chưa nhất quán, khiến nhiều người nghi ngờ. Trong đó, nổi cộm vẫn là nợ xấu, tồn kho bất động sản. Nhiều đại biểu lo lắng, vấn đề tạo lòng tin trong nhà đầu tư vẫn còn là bài toán khó. Hiện nay, nghịch lý là dù lãi suất có giảm và so với 2 năm trước giảm nhiều nhưng việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp đối với các ngân hàng không như lãi suất trần quy định, vì thế dù lãi suất giảm nhưng đó là trên giấy tờ, quy định... Do đó, nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được vốn nên dẫn đến phá sản vẫn tăng, điều đó thể hiện trong quý 1 năm nay, lượng doanh nghiệp giải thể tương đương với doanh nghiệp đăng ký mới. Đây là nghịch lý vì thông thường doanh nghiệp đăng ký mới thường chênh lệch nhiều hơn doanh nghiệp phá sản khoảng 10.000 doanh nghiệp.

TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung ương, cho rằng: Đầu tư và cung tiền quá mức đã thúc đẩy bong bóng thị trường, tạo thành mức cầu ảo quá cao so với mức thu nhập và trình độ thực tế của nền kinh tế. Chính mức cầu ảo nói trên đã thúc đẩy đầu tư một cách dễ dãi, đầu tư cơ hội và hình thành nguồn cung, nhất là cung về bất động sản theo nhu cầu ảo. “Bản thân tôi được giao nhiệm vụ chính là viết báo cáo tham luận chính cho diễn đàn “Tái cơ cấu - Một năm nhìn lại”, nhưng tôi thấy nhiệm vụ quá nhẹ nhàng vì ít có cái để viết”, ông Nguyễn Đình Cung nói.

Sẽ thẩm định đề án tái cơ cấu

Một vấn đề quan trọng tại diễn đàn được nhiều đại biểu kiến nghị là chính sách quản lý điều hành hiện nay nên có những thay đổi, trong đó Quốc hội cần được phát huy đầy đủ vai trò lập pháp và giám sát trong các hoạt động kinh tế - xã hội như việc tổ chức nghiên cứu, phân tích về kinh tế - xã hội, xác định quy chế pháp lý độc lập cho ngành thống kê, xác lập vị trí độc lập tương đối cho Ngân hàng Trung ương.

Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương: Chính phủ nên giao trách nhiệm giám sát độc lập các hoạt động của cơ quan của Chính phủ cho các tổ chức độc lập, được Quốc hội chế định bằng luật pháp hay được Quốc hội và Chúnh phủ giao nhiệm vụ ràng buộc theo quy định của pháp luật.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Sau hai ngày làm việc, diễn đàn hoàn thành mục tiêu đề ra, với những nội dung thảo luận phong phú. Quốc hội sẽ tiếp nhận và lắng nghe những kiến nghị của các chuyên gia. Thông qua diễn đàn, chúng ta phải có những ý kiến thiết thực chuyển tải lên các cấp lãnh đạo Trung ương.

“Quốc hội đã có chủ trương tái cơ cấu, trong đó đã khẳng định sớm tái cơ cấu đầu tư công, ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước... Vì thế, sau khi có chủ trương này, tất cả các bộ, ngành phải bắt tay vào làm ngay. Trong thời gian tới, việc tái cơ cấu phải quyết liệt hơn, cái gì đã làm thì cần làm mạnh hơn, cái nào chưa làm được phải làm sớm, nếu chưa phù hợp thì điều chỉnh. Sau diễn đàn này, các cơ quan chuyên môn ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu để nghiên cứu, làm cơ sở thẩm định Đề án tái cơ cấu của Chỉnh phủ”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thông qua diễn đàn này, các đại biểu đề xuất nên tổ chức Diễn đàn kinh tế hai lần trong một năm.

Trong hai ngày làm việc, hầu như các đại biểu tham gia Diễn đàn kinh tế Mùa xuân lần này đều có chung nhận định: Thời gian tới, việc tái cơ cấu phải tập trung vào giải quyết các vấn đề căn bản, phải có cuộc cải cách mang tính then chốt, tạo động lực thực sự. TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) ví von: Cách tái cơ cấu đang làm kiểu như câu chuyện “sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”, khi các đề án thành phần về tái cơ cấu đầu tư công, ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước lại ra đời trước đề án tổng thể - đó chẳng khác gì quy trình ngược và nó khó thành công.

Văn Ngọc

Tin cùng chuyên mục