Tối ngày 15-9, Tổng thống Pháp Francois Hollande có bài nói chuyện trên truyền hình TF1 về kế hoạch cải cách mới của nước Pháp và tình hình Syria. Trước đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Bộ trưởng Công nghiệp Arnaud Montebourg đã đề xuất một kế hoạch cải tổ được dư luận quan tâm được cho là chương trình quy mô lớn nhằm khôi phục nền công nghiệp Pháp, đưa nước này trở lại nền công nghiệp hàng đầu của thế giới. Ngay sau khi kế hoạch được công bố, đa số các tờ báo của Pháp đều đánh giá đây là kế hoạch đầy tham vọng vì Pháp chỉ mới tạm rút chân khỏi “bóng ma suy thoái” của khu vực.
Chương trình gồm 34 kế hoạch hỗ trợ cho mạng lưới công nghiệp của Pháp, trong đó đặc biệt quan tâm đến 3 lĩnh vực chiến lược gồm năng lượng sạch và môi trường, y tế và công nghệ số. Mục tiêu đề ra là trong 10 năm tới, khu vực công nghiệp phải đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế quốc gia. Để thực hiện được mục tiêu, nước Pháp sẽ tăng đầu tư vào những ngành công nghệ có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai, từ công nghệ nano, đến tàu hỏa cao tốc đời mới; từ ô tô điện, công nghệ sinh học đến công nghệ tự động, thậm chí là chế tạo robot và tiếp tục phát triển ngành công nghiệp vũ trụ. Theo Bộ trưởng Công nghiệp Arnaud Montebourg, 34 kế hoạch nói trên dự kiến đem về thêm cho nền kinh tế của Pháp 45 tỷ EUR, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 18 tỷ EUR. Kế hoạch vực dậy nền công nghiệp nói trên sẽ cho phép tạo thêm 475.000 công việc làm trong thập niên sắp tới.
Đâu là động lực dẫn đến “cú hích” này? Các nhà phân tích cho rằng nó xuất phát từ ngành công nghiệp trì trệ của nước Pháp. Từ trước đến nay, Pháp luôn là nền công nghiệp tiên tiến với một đội ngũ các chuyên gia và các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới, thế nhưng sức cạnh tranh của Pháp lại không ngừng tuột dốc từ suốt một thập niên qua. Con số 750.000 nhân viên làm việc trong ngành công nghiệp của Pháp đã bị sa thải trong 10 năm trở lại đây khiến không ít người giật mình.
Trong bài phỏng vấn gần đây trên tờ Le Monde, Bộ trưởng Công nghiệp Montebourg đã khẳng định nước Pháp không còn sự chọn lựa nào khác là phải nhanh chóng khôi phục lại vị trí cường quốc công nghiệp. Ngành công nghiệp sản xuất của Pháp đang trong thời kỳ cần “cảnh giác” khi chiếm thị phần trong nước lại là những doanh nghiệp ở liên minh châu Âu. Đứng vị trí dẫn đầu là Đức (23%), Italia ở vị trí thứ hai (17%), Tây Ban Nha (15%), Anh (12%) và Pháp - nước chủ nhà xếp ở vị trí thứ 6 với con số khiêm tốn 11%. Ngay cả ở thị trường trong nước, các sản phẩm do Pháp làm ra cũng không cạnh tranh được với các nhãn hàng từ nước ngoài. Khởi động chương trình “Made in France” cổ vũ người Pháp dùng hàng Pháp từ cuối năm ngoái nhưng kết quả thu được rất ít ỏi. Việc đánh thuế cao các mặt hàng trong nước đã làm hàng hóa Pháp có mức giá cao hơn khiến người tiêu dùng rất khó chọn lựa.
Với một ngành công nghiệp mất sức cạnh tranh, người tiêu dùng trong nước lại đang quay lưng với các sản phẩm Made in France, Chính phủ Pháp hẳn sẽ rất chật vật với kế hoạch mang tính dài hơi này. Dè dặt và nghi ngại là tâm lý chung ở Pháp khi kế hoạch được công bố. Thậm chí, theo RFI cho rằng kế hoạch này chỉ nhằm mục đích khôi phục lại tên tuổi của ông Montebourg trước kỳ bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra vào 4 năm sau thất bại của chiến dịch Made in France.
THANH HẰNG