Chiều hôm qua, ông Hoàng Văn Phúc của HN.ACB có thêm một tuần lễ nữa để thư giãn đầu óc sau trận hòa trên sân nhà trước ĐT.LA. 7 ngày trước, ông Phúc thoát khỏi nỗi ám ảnh sau chiến thắng trên sân Nam Định. Vậy là chỉ trong vòng một tuần, ông Phúc như người "chết đi, sống lại". Nhưng người biết chuyện thì nói rằng có thua thêm nữa thì chắc gì ông Phúc đã phải chia tay với HN.ACB. Điều đó cũng gần giống việc nếu HN.ACB có thắng, có thành công thì công lao chưa chắc đến tay ông Phúc đầu tiên.

Còn chiều nay, nếu Thanh Hóa và đánh bại được Đà Nẵng thì ông Trần Văn Phúc chắc sẽ được dựng tượng. Nếu như hồi đầu giải, người ta chờ Lê Hồng Minh gật đầu về quê như ruộng hạn chờ mưa thì bây giờ, dân Thanh Hóa lại đợi những điểm số mà đội bóng của ông Phúc "gặt" được như đợi người thân phương xa trở về. Nói cách khác, ông Phúc giờ là cả niềm hi vọng của người hâm mộ xứ Thanh.
Cuộc đời ngược ngạo là thế: 3 điểm của ông Hoàng Văn Phúc không bằng 1 điểm của ông Trần Văn Phúc. Cũng là một vị trí HLV trưởng vậy mà…
Thật đơn giản. Ở HN.ACB, cái người ta chờ đợi ở ông Phúc ít hơn ở cầu thủ. Người ta kháo nhau, cầu thủ chịu đá thì ông Phúc được nhờ còn ngược lại thì ông ngồi đó mà đón búa rìu dư luận. Ở HN.ACB, cầu thủ thì lại chờ thái độ của ông bầu. Ông ấy "máu", thì cầu thủ "máu". Một đội bóng mà thay đổi tên như thay người tình hờ thì cũng chẳng trách cái mà cầu thủ chờ đợi lạc điệu như thế. Tóm lại, ông Phúc ở HN.ACB cứ quay qua quay lại như đèn cù mà chẳng biết nói gì dù rằng có lần ông từng lên nhận giải HLV xuất sắc nhất trong tháng.
Ở Thanh Hóa, cả đội nhìn ông Trần Văn Phúc mà đá. Cả tỉnh nhìn ông Phúc mà hi vọng. Một đội bóng không có thực lực, ít tiền thì chỉ còn nhờ cậy ở tài cầm binh của vị HLV. Ông Phúc đưa Thanh Hóa thăng hạng, ở lại cùng "sướng ăn sướng, khổ chịu khổ" và vị thế của ông được coi trọng. Quyền lực của ông được thực thi. Khác hẳn cái thời ông dù làm GĐKT của Bình Dương nhưng chẳng quyền hành gì.
Thấy chuyện 2 ông Phúc ở trên mới buồn cười cho chuyện thay tướng dưới giải hạng Nhất. Chẳng biết vì lý do gì mà mới có 3-4 vòng đấu, người ta đã thay đổi vị trí lãnh đạo chiến trường. Điều đó khác nào cái chức HLV trưởng chẳng qua là cái áo, cái quần. Lỡ "mốt" thì thay bộ khác chứ chẳng ăn nhập gì đến chuyện chiến lược, chiến thuật trên sân cỏ.
Chúng tôi nhớ hồi "little boy" Văn Sỹ Hùng về Vinakansai Ninh Bình, rình rang lắm nhưng nghe đâu, anh nộp đơn từ chức hồi sau vòng 4 kìa. Nghe anh nộp đơn xong là đội thắng liền 2 trận. Kết luận: Văn Sỹ Hùng đi là đúng?
Làm đời HLV thì chịu, thắng thì vinh, thua thì ra đi nhưng có lẽ không đâu như ở Việt Nam, chuyện thay tướng cầm binh xảy ra như cơm bữa. Có đội chỉ trong một mùa có đến 3 HLV trưởng, có đội HLV trưởng được "chuyển" thành GĐKT rồi giữa giải trở lại làm HLV. Rồi thì lằn ranh giữa GĐKT và HLV cũng mỏng manh không kém đến mức cứ thấy HLV nào bị chuyển thành GĐKT thì dân trong giới kháo nhau chẳng qua hành động ấy chỉ để "né" sự phá đám của các cầu thủ và làm hài lòng "ông chủ" đội bóng.
Chuyện thay tướng ở bóng đá Việt Nam mấy năm gần đây được gán cho cái ngôn từ "bóng đá chuyên nghiệp thì phải thế" nhưng đúng thế thật không thì chịu.
Việt Quang