Nhìn lại năm đầu tiên của thập kỷ mới trong một thế giới nhiều biến động khó lường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đạt nhiều thành quả lớn trong chỉ đạo, điều hành kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội.
- Lạm phát được kiềm chế
Bước vào năm 2011, khó khăn và thách thức đều lớn hơn so với dự báo. Giá lương thực thực phẩm, giá dầu thô và nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế tăng cao; thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh; khủng hoảng nợ công ở nhiều nước; tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lạm phát cao tại hầu hết các quốc gia... tác động tiêu cực vào nền kinh tế nước ta.
Ở trong nước, chính sách nới lỏng tài khóa, tiền tệ trong nhiều năm để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế, đầu tư phát triển hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đã đem lại những thành tựu quan trọng nhưng cũng làm phát sinh những hệ quả tiêu cực. Lạm phát và mặt bằng lãi suất tăng cao; nhập siêu lớn, cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt, dự trữ ngoại hối giảm mạnh gây áp lực lên thị trường tiền tệ và tỷ giá; giá vàng trên thị trường biến động bất thường. Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô trở thành thách thức lớn.
Ngày 24-2-2011, sau khi phân tích kỹ tình hình với sự tham mưu đầy trách nhiệm của các cơ quan chức năng và các chuyên gia, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP trong đó tập trung vào những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Nghị quyết chỉ rõ phải chuyển mạnh từ chính sách nới lỏng tiền tệ sang thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát; điều hành và kiểm soát để bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15 - 16%. Nghị quyết cũng yêu cầu phải thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước. Các Bộ, cơ quan, địa phương chủ động sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên. Giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 xuống dưới 5% GDP. Không ứng trước vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ năm 2012 cho các dự án, trừ các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai cấp bách…
Tiếp đó, để tăng cường quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả đầu tư công, ngày 15/10/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 1792/CT-TTg về tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đầu tư, nhất là đầu tư công.
Với quyết sách kịp thời, đúng đắn nêu trên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mức tăng giá tiêu dùng bắt đầu tư tháng 5/2011 đã giảm dần (tháng 5: 2,21%; tháng 6: 1,09%; tháng 7: 1,17%; tháng 8: 0,93%; tháng 9: 0,82%; tháng 10: 0,36%; tháng 11: 0,39%; tháng 12: 0,53; cả năm tăng khoảng 18,13%.
Lãi suất tín dụng có xu hướng giảm; xuất khẩu tăng 33%. Nhập siêu hàng hóa năm 2011 ước tính 9,5 tỷ USD, bằng 9,9% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Mức nhập siêu của năm 2011 là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua và là năm có tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu thấp nhất kể từ năm 2002. Thu ngân tăng vượt khoảng 13,4% so với dự toán, đáp ứng nhu cầu chi tiêu và trả nợ. Đồng thời, cả nước đã cắt giảm, điều chuyển là 81.500 tỷ đồng. Nhờ đó, đã tập trung vốn hoàn thành thêm được 1.053 dự án trong năm 2011.
- Sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển
Để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng hợp lý, ngay từ đầu năm năm 2011, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng loạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, đã thực hiện miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế cho doanh nghiệp và cá nhân. Nổi bật như giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, giảm 50% mức thuế khoán thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân cho một số đối tượng; giảm 50-100% thuế thu nhập cá nhân đối với cổ tức được chia trong hoạt động đầu tư chứng khoán...
Mặt khác, đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung vốn đầu tư vào ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính, có kế hoạch thoái vốn, tiến tới chấm dứt kinh doanh đầu tư ngoài ngành.
Đồng thời với việc tiết kiệm đầu tư công, Chính phủ chỉ đạo nâng cao năng lực sản xuất các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng, thúc đẩy các doanh nghiệp ngành năng lượng, cơ khí, luyện kim, khai khoáng, hóa chất đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất nông, lâm, thủy sản; ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa bờ. Chỉ đạo quyết liệt các địa phương đối phó với tình hình rét đậm, rét hại tại các tỉnh phía Bắc, xâm nhập mặn miền Nam, bão lụt miền Trung, lũ lụt lớn ở đồng bằng sông Cửu Long, phòng chống dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, hỗ trợ phục hồi sau sản xuất sau lũ lụt.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất sản phẩm có khả năng cạnh tranh, tỷ trọng giá trị gia tăng cao, giảm dần tỷ trọng của các hàng hóa gia công, hàng hóa sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản nhằm đảm bảo khai thác tài nguyên bền vững hơn.
Để khắc phục tình trạng khó khăn về vốn, trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, Chính phủ chỉ đạo huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư đồng bộ các công trình, dự án trọng yếu; khuyến khích các hình thức đầu tư đối tác công – tư, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài vào cơ sở hạ tầng. Các dự án trọng điểm về điện, dầu khí, giao thông vận tải được quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ.
Với những định hướng đúng, những ưu tiên trong chính sách, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực, sáng tạo của nhân dân, GDP năm 2011 ước tăng 5,89%. Nông nghiệp phát triển khá toàn diện, đạt mức kỷ lục về sản xuất lương thực và xuất khẩu gạo, thu nhập và đời sống của nông dân được cải thiện. khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,53%; khu vực dịch vụ tăng 6,99%. chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2011 tăng 6,8% so với năm 2010.
Một số ngành công nghiệp chủ yếu có chỉ số sản xuất năm 2011 tăng cao so với năm 2010 là: sản xuất đồ gốm, sứ không chịu lửa tăng 139,3%; sản xuất đường tăng 33,7%; đóng và sửa chữa tàu tăng 28,4%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 19,6%; sản xuất sản phẩm bơ, sữa tăng 15,8%; sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) tăng 13,3%; sản xuất sợi và dệt vải tăng 11,6%; chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 11,3%.
Xuất khẩu tăng cao, nhập khẩu được kiểm soát. Nhập siêu giảm mạnh, Nhập siêu hàng hóa năm 2011 ước tính là 9,5 tỷ USD, bằng 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mức nhập siêu năm 2011 là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua; đây cũng là năm có tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu thấp nhất kể từ 2002.
- An sinh xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật
Trong điều kiện giá cả thị trường tăng cao, thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Cùng với việc ưu tiên nguồn lực để thực hiện các chương trình và chính sách hiện có, trọng tâm là hỗ trợ xóa đói giảm nghèo; tạo việc làm gắn với đào tạo nghề; trợ giúp xã hội, nhất là trợ giúp khó khăn và khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ nhân dân tham gia hệ thống bảo hiểm và tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản; nhiều chế độ, chính sách về an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đã được ban hành mới hoặc sửa đổi bổ sung theo hướng tăng mức hỗ trợ và mở rộng diện thụ hưởng nhằm giúp người nghèo, người có thu nhập thấp, các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn.
Đã thực hiện hỗ trợ cho người thu nhập thấp có đời sống khó khăn; hỗ trợ hộ nghèo khi điều chỉnh giá điện; nâng mức tiền ăn cho lực lượng vũ trang; nâng mức cho học sinh, sinh viên vay để học tập; điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu và các chế độ liên quan; thực hiện chế độ phụ cấp công vụ, phụ cấp cho nhà giáo, cán bộ y tế; chính sách đối với người có công, thanh niên xung phong, người cao tuổi, người công tác ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trợ giúp xã hội cho một số đối tượng; ban hành chuẩn nghèo, cận nghèo mới và Nghị quyết về giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 - 2020...
Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nhưng chi ngân sách nhà nước cho công tác an sinh xã hội ước tăng khoảng 20% và dư nợ tín dụng ưu đãi thực hiện chính sách xã hội tăng khoảng 17% so với năm 2010. Chi ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách an sinh xã hội cả năm khoảng 84 nghìn tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2010. Dư nợ tín dụng ưu đãi thực hiện chính sách an sinh xã hội hơn 104 nghìn tỷ đồng tăng 17% so với cùng kỳ năm 2010. Ngoài ra, đã xuất dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, chủ yếu ở vùng bị thiên tai hơn 62 nghìn tấn gạo và xuất cấp các vật tư, thiết bị khoảng 574 tỷ đồng. Các cấp, các ngành, các đoàn thể cũng đã hỗ trợ các hộ thiếu đói khoảng 17 nghìn tấn lương thực.
Cả nước tạo được 1,54 triệu việc làm mới, thất nghiệp ở khu vực thành thị khoảng 4%; tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 2%. Chương trình hỗ trợ xây nhà ở cho người nghèo, nhà ở sinh viên và xây dựng cụm tuyến dân cư vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long đạt kết quả tích cực.
Số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế đều tăngTỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đã tăng từ gần 60% năm 2010 lên 62% năm 2011, có hơn 15 triệu người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn và khoảng 7 triệu trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT, khám chữa bệnh miễn phí.
Đồng thời với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các lĩnh vực: giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, thông tin, khoa học – công nghệ, bảo vệ môi trường, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, đối ngoại, quốc phòng, an ninh...tiếp tục đạt được nhiều thành quả to lớn
Trước thềm năm mới 2012, vẫn biết đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với những thành tựu đạt được không nhỏ trong năm 2011, giúp đồng bào cả trong và ngoài nước có thêm niềm tin mới vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để cùng với mọi tầng lớp nhân dân quyết liệt đưa đất nước ta phát triển vững mạnh, Tổ quốc ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.
Lê Đông (VGP)