Một số nội dung quan trọng trong 3 nghiên cứu của Sở Quy hoạch - Kiến trúc

* Đối với đường Phạm Văn Đồng: Phạm vi nghiên cứu bắt đầu từ điểm đầu tuyến là khu vực nối với sân bay Tân Sơn Nhất đến điểm cuối là nút giao thông Linh Xuân. Chiều rộng toàn khu vực được tính từ lộ giới đường trở ngược vào sâu trong các khu dân cư khoảng 150m.

Hiện tại, theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến 2025 của TPHCM, hướng đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài không có các tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như metro, monorail… Do vậy, trước mắt Sở QH-KT đề xuất xây dựng một tuyến xe buýt con thoi hoạt động liên tục trên trục đường. Công tác chỉnh trang đô thị sẽ là động lực chính cho việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo định hướng chung của thành phố: tăng cường các hoạt động thương mại, dịch vụ…

Ngoài ra, dọc tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài còn một số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, nhiệm vụ của nghiên cứu thiết kế cảnh quan kiến trúc sẽ phải tính đến việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm và phát triển thêm mảng xanh để bảo vệ môi trường. Toàn bộ thiết kế không gian đô thị trên tuyến sẽ là một tổng thể thống nhất, hài hòa ngay trong nội tại và với các đô thị lân cận. Tuy nhiên, tính đa dạng vẫn được tôn trọng để người dân có nhiều lựa chọn.

* Đối với đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ: Phạm vi nghiên cứu của đồ án quy hoạch sẽ nằm gọn trong toàn bộ chiều dài của trục đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, ước hơn 21km và chiều rộng là khoảng 100 - 150m tính từ lộ giới đường ngược vào trong. Tuyến đường này đi qua 4 khu vực lớn: đô thị mới Thủ Thiêm, trung tâm tài chính, văn phòng lâu đời ở quận 1, trung tâm buôn bán mang sắc thái người Hoa ở quận 5 và vùng cảnh quan sông nước mang đậm dấu ấn “trên bến dưới thuyền” của miền Tây Nam bộ ở quận 6, quận 8 nên việc tôn trọng và kế thừa những nét văn hóa ấy là yêu cầu quan trọng trong thiết kế đô thị và quy chế quản lý kiến trúc. Chính vì yêu cầu này, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã đưa ra ý tưởng: sẽ lưu giữ lại một số kiến trúc của Pháp tiêu biểu cho Sài Gòn xưa ở khu trung tâm tài chính, văn phòng quận 1. Các kiến trúc hiện đại phải được nghiên cứu hài hòa với không gian chung. Khu vực quận 5 sẽ giữ lại các đặc trưng hoạt động thương mại nhộn nhịp của người Hoa. Đặc biệt, khu vực quận 6, 8, dự kiến sẽ hình thành một khu chợ nổi để vừa phục vụ nhu cầu kinh doanh buôn bán của người dân, vừa tái hiện không gian của những ngày đầu hình thành nên Sài Gòn - TPHCM. Riêng khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ có những kiến trúc hiện đại, xứng tầm là một trung tâm tài chính, thương mại lớn không chỉ của TPHCM mà còn cả khu vực.

* Đối với xa lộ Hà Nội: Dọc tuyến đường này sẽ hình thành một số trung tâm văn hóa, kinh tế, giáo dục lớn như Trung tâm Thể dục Thể thao Rạch Chiếc, dự kiến rộng 200 - 300ha, Khu công nghệ cao, Đại học Quốc gia, Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc rộng 300 - 400ha… Giải pháp bền vững và hiệu quả để kết nối các trung tâm nêu trên là vận tải hành khách công cộng. Bên cạnh những trung tâm giáo dục, văn hóa sẽ hình thành thêm các khu dân cư với độ nén. Các chung cư này sẽ hình thành từ công tác chỉnh trang đô thị, giải tỏa các khu nhà lụp xụp, khu nhà thấp tầng. Một trong những chủ trương quan trọng trong việc phát triển đô thị dọc xa lộ Hà Nội là quyết định di dời Nhà máy xi măng Hà Tiên của thành phố. Toàn bộ khu vực này ước rộng khoảng 100ha và UBND TPHCM đã giao Sở QH-KT nghiên cứu lập quy hoạch phát triển và xây dựng các khu dân cư hiện đại ở đây. Việc bảo tồn các biệt thự ở các quận 9, Thủ Đức dọc xa lộ Hà Nội sẽ được nghiên cứu theo hướng giữ lại những công trình có giá trị.

(Nguồn: Trung tâm Thông tin triển lãm thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM)

Tin cùng chuyên mục