Một thầy giáo vùng cao lưu giữ bộ phản vua Hàm Nghi sử dụng trong phong trào Cần Vương

Ngày 27-7 ông Đinh Xuân Định, Chủ tịch Hội di sản Việt Nam huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) cho biết, một gia đình tại thị trấn Quy Đạt hiện còn lưu giữ bộ phản do vua Hàm Nghi sử dụng trong phong trào Cần Vương khi bôn tẩu từ kinh thành Huế ra miền núi rẻo cao này.

Bộ phản trong nhà thầy Hạnh mà vua Hàm Nghi từng sử dụng để tiếp đón văn thân, nghĩa sĩ đến yết kiến trong phong trào Cần Vương
Bộ phản trong nhà thầy Hạnh mà vua Hàm Nghi từng sử dụng để tiếp đón văn thân, nghĩa sĩ đến yết kiến trong phong trào Cần Vương

Theo ông Định, gia đình anh Đinh Hữu Hạnh hiện là giáo viên tiểu học xã Dân Hóa (trú tại tiểu khu 3 thị trấn Quy Đạt) hiện đang sở hữu bộ phản quý giá này.

Cụ Đinh Văn Niêm (83 tuổi), Hội viên hội di sản Việt Nam huyện Minh Hóa cho biết, đến đời anh Hạnh là thế hệ thứ 4 trực hệ lưu giữ bộ phản quý hiếm này của vua Hàm Nghi từng sử dụng.

“Trước đây, cụ Đinh Văn Hiện là Chánh tổng vùng miền núi này đóng bộ phản gồm 3 phách gỗ gõ, thuê thợ sơn tràng địa phương dùng rìu đẽo. Mỗi tấm rộng hơn 30cm, dài gần 3m, dày hơn 5cm. Lúc vua Hàm Nghi từ kinh thành Huế ra vùng Minh Hóa (ngày nay) xây dựng cơ sở Cần Vương, nhà vua đã sử dụng bộ phản này vừa để ngủ, vừa để bàn cơ sự cũng như tiếp đón văn thân, nghĩa sĩ đến yết kiến ủng hộ phong trào Cần Vương do nhà vua khởi xướng”, cụ Niêm cho hay.

Trải qua thời gian, khi phong trào Cần Vương bị dập tắt, các đời con cháu trực hệ của Chánh tổng Đinh Văn Hiện thay nhau lưu giữ. Anh Hạnh cho biết, bộ phản này từng được thân sinh và ông nội giữ gìn cẩn thận dưới mái nhà tranh, đặt trang trọng ở gian giữa. Nhiều năm chiến tranh, bị máy bay Mỹ ném bom cháy nhà thì bộ phản được trưng dụng làm hầm trú, tránh bom. Khi hòa bình lập lại, gia đình thầy Hạnh đưa về bảo quản trong nhà, nhiều trận lũ lớn, nhiều thứ trong nhà bị trôi thì cha và ông của thầy Hạnh vẫn chằng buộc bộ phản này như một báu vật quý.

Hiện mặt phản có những đường hằn sâu do nhiều tác động bên ngoài. Các chân đế kê bộ phản đã bị mối mọt ăn nên gia đình thầy Hạnh dùng loại gỗ mới làm chân.

Qua các xác tín của người dân, ông Đinh Xuân Định và Hội di sản văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa khẳng định đây là bộ phản do vua Hàm Nghi từng sử dụng. Hiện ông Định đang ra sức thuyết phục gia đình hiến lại cho địa phương trưng bày.

Tin cùng chuyên mục