“Một thời Quảng Trị”: Cuốn sách quý

“Một thời Quảng Trị”: Cuốn sách quý

Nói đến cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam sẽ không đầy đủ nếu bỏ qua vùng đất Quảng Trị. Đây được coi là vùng đất chiến tranh ác liệt nhất, bởi Quảng Trị nằm tiếp giáp giữa hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam, lại có địa hình hiểm trở, bề ngang giống như cái yết hầu trong cơ thể của đất nước. Trong cuộc giao tranh, giành giật giữa ta và địch, nếu bên nào có được Quảng Trị, phần thắng sẽ nghiêng hẳn về bên ấy.

Tôi đã đọc một số tác phẩm về chiến tranh, kể cả viết dưới dạng tư liệu cũng như hư cấu nghệ thuật, nhưng cái cảm giác “đặc sệt chiến trường” thì “Một thời Quảng Trị” của Thượng tướng - Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu (NXB Quân đội Nhân dân – 6-2008) cho tôi nhiều hơn cả.

“Một thời Quảng Trị” có được vị trí đáng trân trọng ấy, theo tôi, bởi có ba yếu tố:

“Một thời Quảng Trị”: Cuốn sách quý ảnh 1

Thứ nhất: Tác giả là người trong cuộc trực tiếp cầm súng chiến đấu và chỉ huy suốt những năm tháng ác liệt nhất, đỉnh cao nhất của cuộc chiến. Sách gồm 7 chương.

Ở chương đầu, tác giả nói về cuộc hội thảo có chủ đề “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” và chương cuối để tự sự về đoạn đời từ sau chiến tranh cho đến nay - khi ông đã là một sĩ quan cao cấp, nắm giữ những cương vị quan trọng của Quân đội như Sư đoàn trưởng Sư đoàn 390, Tư lệnh Quân đoàn I, Phó Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Diện mạo cuộc chiến lần lượt diễn ra theo thời gian: Bắc Quảng Trị trong cuộc tiến công năm 1968, chiến đấu trên tuyến hàng rào điện tử Mác-na-ma-ra, chiến dịch phản công đường 9 Nam Lào, giải phóng Quảng Trị năm 1972, đập tan tuyến tử thủ Bắc Sài Gòn.

Trong “Một thời Quảng Trị”, Nguyễn Huy Hiệu hạn chế đề cập đến “cái tôi” mà chủ yếu mô tả các trận đánh như thế nào, đồng đội ông chiến đấu và hy sinh ra sao. Các trận đánh được ông mô tả rất chi tiết, sôi động. Đơn vị cũng như cá nhân ông hầu như phải đối phó với tất cả mọi loại hình chiến lược, chiến thuật mà đối phương tung ra, như hàng rào điện tử Mác-ra-ma-na, Hành quân Lam Sơn 719, Lam Sơn 72, chiến thuật Trâu rừng, chất độc hóa học… Và dường như các tên đất, tên sông, tên núi, tên đồi ở Quảng Trị nổi danh trong các cuốn lịch sử và nhà bảo tàng chiến tranh đều có sự tham chiến, ghi dấu ấn của Anh hùng Nguyễn Huy Hiệu và đơn vị ông: Địa đạo Vĩnh Mốc, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh, Đường 9…

Đọc “Một thời Quảng Trị”, ta thấy một Nguyễn Huy Hiệu, dù khi chỉ là lính trơn cho đến khi giữ những cương vị Trung đội trưởng, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng… đều thể hiện trí thông minh, lòng dũng cảm, trái tim nhân hậu, tính tình thật thà in đậm vào trong trận đấu.

Trận chiến nào Nguyễn Huy Hiệu cũng tìm ra một cách đánh thông minh, đắc địa, tốn ít xương máu nhất, quy tụ được tinh thần và niềm tin của cán bộ nhiều nhất. Thật cảm động khi có lúc trận chiến đang căng thẳng thì Nguyễn Huy hiệu bị thương, nhưng ông biết nếu ông lui về tuyến sau lúc này sẽ ảnh hưởng bất lợi đến tinh thần chiến sĩ, vả lại trận đánh có thể kết thúc theo chiều hướng xấu, ông quyết định tự băng bó vết thương, nén những cơn đau tiếp tục chiến đấu.

Thứ hai: Tác giả đã kể lại bằng cả tấm lòng đối với đồng đội. Trong cuốn sách, tác giả đã chọn lối kể chuyện giản dị, chân thật đến từng con chữ. Tính chân thật cùng với trí nhớ siêu đẳng, Nguyễn Huy Hiệu không chỉ kể tên từng người hy sinh mà còn viết rõ quê liệt sĩ ấy ở làng, xã nào, hy sinh vào thời khắc nào, chôn ở đâu… Có trận hy sinh vài ba người, có trận hy sinh vài chục người, tác giả đều dành những dòng mô tả về thân nhân họ, trừ những người vì lý do nào đó tác giả không thể nhớ ra.

Chỉ tính riêng những người hy sinh mà tác giả chứng kiến, có người được chính tác giả băng bó rồi cõng đi mai táng, đã lên đến con số vài trăm người mới hiểu dải đất Quảng Trị khi kết thúc chiến tranh có đến 72 nghĩa trang với 60.000 liệt sĩ. Trong đó, nghĩa trang Trường Sơn có tới 10.263 mộ chí, nghĩa trang Đường 9 là nơi yên nghỉ của 10.420 liệt sĩ.

Thứ ba:
“Một thời Quảng Trị” vừa có cái nhìn cận cảnh vừa có cái nhìn bao quát, tổng quan của tác giả. Ông là người trực tiếp cầm súng chiến đấu và chỉ huy nên mới có cái nhìn cận cảnh như thế. Nhưng đến thời điểm tác giả cầm bút viết cuốn hồi ức thì ông đã là cán bộ cao cấp của Bộ Quốc phòng. Ở vị trí này ông có điều kiện để có cái nhìn khái quát, tổng quan về cuộc chiến tranh. Ông phân tích cả tình hình quân đội đối phương trong từng chiến dịch với những mưu đồ xâm lăng ra sao. Ông phân tích chặt chẽ cả những khái niệm “Hành quân Lam Sơn 719” là thế nào, sao lại gọi là “kỵ binh bay”, là “tia chớp nhiệt đới”. Ông thuộc lòng các đặc điểm, công dụng của từng loại vũ khí của ta cũng như của cả quân đội đối phương.

Do đó, sách còn có giá trị như cuốn sử ký. Đời sau, nếu cần một tư liệu, chất liệu nào đó về cuộc chiến tranh ở Quảng Trị, người ta có thể tìm đến cuốn sách này và hoàn toàn yên tâm về nó. Trong quá trình viết “Một thời Quảng trị”, tác giả có một người trợ thủ rất đắc dụng là Đại tá, nhà báo Lê Hải Triều.

Lê Hải Triều đã từng chấp bút cho một số cuốn hồi ký của các tướng lĩnh như “Ký ức Tây Nguyên” của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, “Thời sôi động” của Đại tướng Chu Huy Mân…

Từng là người trực tiếp cầm súng chiến đấu nên Lê Hải Triều rất thông cảm, đồng điệu với tất cả những gì tác giả muốn thể hiện trong cuốn sách. Lê Hải Triều đã hết lòng giúp tác giả một số khâu thuộc về “bếp núc” của nghề viết.

Đọc “Một thời Quảng Trị” tôi rất vui, bởi trong di sản viết về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang có thêm một cuốn sách quý. 

LÊ HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục