“Mã đáo…” - tết… Ngọ lại về, bỗng nhớ Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo…, câu thơ xưa vương sầu hoài niệm gợi lên sự mênh mang trong lòng người về một thời xa mã. Vào những thập niên ở thế kỷ trước, TPHCM nói chung và vùng Hóc Môn - Bà Điểm nói riêng dập dìu những chiếc xe ngựa ngược xuôi chở khách. Thời gian như bóng câu qua cửa. Bây giờ, thay cho vó câu là tiếng máy xe nổ vang rền cùng mịt mù bụi, khói…
Hiếm hoi xe thổ mộ
Để tìm lại dấu ấn về một thời… ngựa xe như nước mà theo nhiều nhà nghiên cứu, hình bóng chiếc xe ngựa lắc lư, gập ghềnh với những bước nhịp đằm, nhịp nhảy trên các nẻo đường quê đã khắc họa nên bức tranh sinh động trong đời sống nhân dân ta suốt một thời kỳ dài. Trong ngọn gió heo may se lạnh cuối năm, tôi tìm về những vùng đất trước kia mong gặp lại bóng dáng thân quen của chiếc xe thổ mộ sải vó trên đường. Tuy lối xưa vẫn còn đó, nhưng tiếng vó câu rộn rịp ngày nào, nay không còn nữa. Trải qua 3 đời gắn bó với nghề cầm cương như gia đình bác Tám Lắm ở xã Tân Hiệp, ông Hang ở ấp 5 xã Đông Thạnh (Hóc Môn TPHCM) chỉ còn giữ lại một, hai chiếc xe thổ mộ được “o bế” láng coóng nhưng không phải để chở khách, mà là “trùm mền” dành cho mướn quay phim, chụp ảnh hoặc thỉnh thoảng chở Việt kiều đi dạo cảnh, quay phim…
Trao đổi với tôi về những kỷ niệm buồn vui của một thời cầm cương, một số gia đình “nòi” qua mấy thế hệ sinh sống với nghề đánh xe ngựa buông giọng ngậm ngùi: “Thời cuộc như lớp sóng sau đè sóng trước. Từ ngày “gác roi” chuyển sang nghề khác tới giờ, mỗi lần qua lại đường cũ lối xưa, lòng lại gợn lên sự luyến nhớ… Đâu đây như còn vang vọng tiếng vó ngựa cùng bóng chiếc thổ mộ liêu xiêu…”. Trôi theo dòng xe đủ loại ngập đường khói bụi, ồn ào tiếng máy nổ, tiếng kèn xe… tôi cứ mãi bâng khuâng tự hỏi: Những chiếc thổ mộ một thời vang bóng có phải đã trở thành chuyện cổ tích?
Rảo qua xứ 18 thôn Vườn trầu Bà Điểm, tôi tần ngần nhớ đến ông Sáu xe ngựa với chiếc xe thổ mộ duy nhất còn sót lại ở bến chợ Bà Điểm. Mấy năm trước tôi thường ghé đến đây để được nghe ông Sáu kể chuyện về lịch sử của xe thổ mộ. Ông tên thật Trần Văn Tài, nhà ở ấp Đông Lân - Bà Điểm, dạo ấy tuy đã đến ngưỡng thất thập cổ lai hy nhưng ông vẫn còn rắn rỏi, nhanh lẹ. Khách đi xe thổ mộ của ông cứ việc vào chợ thoải mái mua sắm…, khi nào xong ông tất bật ra vào xách từng giỏ hàng của khách đem ra ràng, cột lên bệ gỗ ở hai bên hông xe. Khách của ông Sáu thường là mối quen lối xóm. Ông Sáu kể rằng ông theo nghề đánh xe ngựa từ thuở tóc còn để chỏm, lúc đầu đi theo cha để trông ngó hàng hóa cho khách, lớn chút được giao nhiệm vụ thu tiền xe, rồi làm… lơ, khi người cha qua đời ông tiếp tục nối nghiệp.
Ông Sáu tâm sự: “Những người làm nghề như qua ở xứ này hầu như đã chuyển nghề hết. Sắp nhỏ biểu nghỉ, ở nhà tụi nó cho tiền tiêu xài, nhưng qua không nỡ xa con ngựa với chiếc xe vì nó đã gắn bó với mình hàng bao đời nay”. Suốt cả đời ông Sáu rất thương con ngựa, lúc trái gió trở trời thấy nó gõ móng giậm chân, ông biết ý liền đi mua thuốc nhức mỏi, thuốc bổ về cho nó uống, rồi tự tay đi cắt cỏ tươi, ngâm lúa cho ngựa ăn bồi dưỡng. Còn chiếc xe thổ mộ, mặc dù thời gian đã nhuộm màu cũ kỹ lên từng bộ phận xe nhưng ông cưng nó như kỷ vật, chẳng thế đã có viện bảo tàng nọ đề nghị ông bán lại chiếc xe để đem về trưng bày, ông từ chối. Nhiều khu vui chơi, quán vườn cũng tìm đến nài nỉ mua chiếc xe giá cao, ông cũng lắc đầu. Sáng nay tôi trở lại Bà Điểm không thấy ông với bóng dáng chiếc xe thổ mộ đâu, không biết ông còn hay mất?
Lối xưa xe ngựa...
Cảm giác chông chênh khi đặt chân lên bàn đạp để trèo lên chiếc thổ mộ nay vẫn còn như in trong ký ức. Với tôi, tiếng vó câu lốc cốc cùng tiếng lạc ngựa vang đều trên đường khuya từ mấy chục năm qua không bao giờ phai nhạt. Thuở nhỏ, những lần đi xe ngựa tôi thường lấn ra phía trước để được ngồi bên cạnh bác tài, để ngắm cái bờm ngựa tưng tưng theo nhịp chân, ngắm cái vòng lục lạc sáng chói rung rung trên cổ con ngựa. Cái cảm giác chông chênh nhường chỗ cho sự thích thú hòa cùng tiếng roi chóc chóc, tiếng hí - họ của bác đánh xe giữa buổi chiều sương, nắng sớm.
Thuở vàng son của loại xe thô sơ này bắt đầu vào những thập niên thế kỷ 20 - khi hệ thống giao thông đường bộ đã được người Pháp xây dựng tương đối hoàn chỉnh. Xe ngựa phát triển nhiều ở miền Đông Nam bộ và vùng ven biển phía Nam Trung bộ đến Bà Rịa - Vũng Tàu… Thời Pháp thuộc, khu vực Gia Định - Sài Gòn - Chợ Lớn và các vùng phụ cận, phương tiện vận chuyển của người dân chủ yếu là xe ngựa. Xe hơi hiếm hoi chỉ dành riêng cho giới thượng lưu. Thời đó, muốn hành nghề chạy xe ngựa phải được quan chức địa phương chấp thuận và giới thiệu lên tòa hành chính tỉnh xin cấp cái giấy (nếu đủ điều kiện) gọi là “Permis de conduire pour voiture un cheval (Giấy phép hành nghề dành cho xe độc mã) do chính quan đầu tỉnh ký. Tờ pẹc-mi (giấy phép) chạy xe ngựa có khổ 14x18cm, màu xanh nhạt, viết chữ in trên một mặt giấy. Cái giấy phép lái xe thổ mộ (Tilbury) này có giá trị suốt cả thời kỳ thực dân đô hộ.
Theo một vị lão niên sống cạnh bến xe cá với hàng chục chiếc xe song mã (2 ngựa kéo) chuyên chở đồ hàng bông, ở xã Tân Xuân (Hóc Môn), xe có mui, trang trí đẹp để chở khách gọi là xe thổ mộ, xe không mui gọi là xe cá dùng chở hàng. Xe cá có nhiều cỡ, có thể do một ngựa hay hai ngựa kéo tùy theo sức tải hàng hóa và tùy đường xa hay gần. Nổi tiếng về ngựa “chiến” để đua, ngựa “tuyển” để kéo xe phải kể đến miệt Đức Hòa (Long An) và một vài vùng của Hóc Môn. Các tuyến đường có nhiều xe thổ mộ chạy lúc bấy giờ là Chợ Lớn - Bà Hôm - Bà Điểm - Đức Hòa - Long An, Bà Chiểu - Gò Vấp - Hạnh Thông Tây - Hóc Môn - Củ Chi - Lái Thiêu - Thủ Dầu Một - Thủ Đức - Biên Hòa… Đêm đêm, nhất là các tháng cuối năm đồ hàng bông, rau cải, hàng nông sản chất đầy trên những chiếc xe cá nờm nợp đổ về các chợ đầu mối nội thành. Hồi đó, những chiếc xe song mã, tứ mã… vốn là loại xe tải chủ lực phục vụ vận chuyển hàng hóa. Hóc Môn là một trong những địa phương vang bóng một thời với gần 10 bến xe thổ mộ, xe cá có cả trăm chiếc hoạt động rất nhộn nhịp. Sau 30-4-1975 cho đến những năm 80, do xăng dầu khan hiếm nên nghề chạy xe ngựa vẫn còn dễ kiếm sống. Thời điểm đó, Hóc Môn vẫn còn 7 bến xe thổ mộ chở khách, 4 ở trung tâm thị trấn, 3 ở xã Bà Điểm và Đông Thạnh. Ở xã Tân Xuân có bến xe cá chở đồ hàng bông.
Đôi điều về... ngựa
Nghề nào cũng vậy, nếu không vất vả thì cũng có nét đặc thù riêng. Đường dài mới tày ngựa giỏi, ngựa có thể kéo xe chạy ròng rã một nước năm bảy chục cây số, người đánh xe còn mệt, huống hồ… Nuôi trâu bò đôi khi người ta còn bỏ mặc chứ ngựa thường được chủ “cưng” lắm! Về nhà phải cởi yên, tháo khớp cho ngựa nghỉ ngơi, chăm sóc, tắm rửa, thỉnh thoảng phải dắt ngựa đi… dạo. Cho uống nước đường, ăn cám ngon, cỏ tươi để bồi dưỡng cho ngựa. Đi mua ngựa phải là người rành rẽ về chuyện coi cẳng, coi giò, coi xoáy ngựa… không khéo rước về con tướng xấu, hoặc gặp ngựa có xoáy “Phan Anh” thì không tan cửa nát nhà cũng tan đàn xẻ ngọ…! Theo dân nhà nòi thì nội phần xoáy trên mình ngựa đã có cả chục loại. Phải biết xoáy nào tốt, xấu để chọn, nuôi ngựa có xoáy Tam tinh thì ăn nên làm ra, ngược lại gặp phải ngựa có xoáy Phong tong, Nàng xà… thì phải tránh xa nếu không muốn rước họa vào nhà.
Trở lại chuyện xe thổ mộ, một trong những phương tiện chuyên chở cổ xưa ở nước ta rồi đây sẽ chìm vào quá khứ theo quy luật đào thải. Nhưng nhìn từ khía cạnh khác, nó lại mang một sắc thái riêng đậm nét văn hóa đặc trưng về hình ảnh chiếc xe thổ mộ. Ở nhiều nước trên thế giới, kể cả phương Tây - nơi có nhiều phương tiện cơ giới tân tiến, người ta đã tìm cách phục chế lại những cổ xe ngựa để sử dụng cho nhiều mục đích. Riêng ở nước ta, rất ít địa phương có xe ngựa còn hoạt động. TPHCM thì tuyệt nhiên vắng bóng, ngoại trừ vài điểm du lịch, khu vui chơi… lác đác trưng bày một hai chiếc xe ngựa chở khách đi dạo, chụp hình… còn thì người ta đem về các quán tiệm làm bàn ăn cho lạ mắt! Có nơi còn tháo tung ra từng bộ phận, sơn phết màu mè những bánh xe để trang trí trong một số quán cà phê ở ngoại thành. Nói chung sự mai một nào cũng tiếc, riêng đường nét độc đáo của chiếc xe thổ mộ Việt Nam nếu không được bảo tồn thì người đời sau chỉ còn nhìn thấy qua tranh ảnh mà thôi.
HẢI ANH