Một Toul Sleng nặng trĩu

Tôi không nói gì nhiều về địa ngục trần gian mà cách đây trên 30 năm đã công khai tồn tại dưới thời Pôn Pốt khiến biết bao người dân Campuchia vô tội bị sát hại một cách tàn bạo theo kiểu trung cổ.
Một Toul Sleng nặng trĩu

Tôi không nói gì nhiều về địa ngục trần gian mà cách đây trên 30 năm đã công khai tồn tại dưới thời Pôn Pốt khiến biết bao người dân Campuchia vô tội bị sát hại một cách tàn bạo theo kiểu trung cổ.

Tôi không muốn nhắc lại những bi thương đau lòng ấy một lần nữa với nhân dân Campuchia và cả nhân dân Việt Nam - đất nước hào hiệp vừa mới trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ đã phải hy sinh những người con của mình giúp nhân dân xứ Chùa Tháp thoát khỏi bàn tay diệt chủng của bè lũ Pôn Pốt. Tôi muốn quên đi tất cả sự tàn bạo, dã man ấy… Nhưng hôm nay lần đầu tiên đến thăm nơi này, tôi không thể không viết về những cảm nghĩ đang bị đè nén của mình cho dù báo chí trong nước và quốc tế đã nói nhiều, viết nhiều về bọn ác quỷ đội lốt người.

Một góc địa ngục Tuol Sleng (Campuchia). Ảnh: Tư liệu

Một góc địa ngục Tuol Sleng (Campuchia). Ảnh: Tư liệu

Toul Sleng nằm trong khu Toul Tompong ngay trung tâm thành phố, gần đại lộ mang tên Monivong - một trong những con đường chính, đẹp và lâu đời nhất của thủ đô Phnôm Pênh. Nhà tù Toul Sleng trước đây là trường trung học mang tên Chao Ponha Yat bao gồm 4 dãy nhà cao 4 tầng mái bằng, được xây dựng theo hình khối chữ U kiến trúc hoàn toàn giống nhau, dùng cho các lớp học, từ lớp một đến lớp sáu. Phía bên ngoài, với một hành lang chạy dài từ đầu nhà tới cuối nhà, đằng trước có một khoảng sân rộng trồng cỏ và lác đác vài ba cây dừa.

Trường được xây dựng đã lâu và là một trong những trường học danh tiếng dành cho con em các gia đình trung lưu hoặc giàu có thời cựu hoàng Norodom Sihanouk còn tại vị.

Trường nằm giữa đường 113 được cắt ngang bởi con đường 310. Đây là một con đường nhỏ, rộng chỉ 4 - 5m với những biệt thự, nhà dân cao hai ba tầng cùng những cửa hàng buôn bán nhỏ - một khu phố quá yên tĩnh so với sự tấp nập huyên náo của những khu phố khác ở Phnôm Pênh. Trước đây, tôi vẫn nghĩ rằng nhà tù này ở xa, ít ra cũng phải ở vùng ngoại thành… nhưng thật không ngờ, nó lại ở quá gần, từ khách sạn New York nơi tôi ở, đi xe gắn máy chỉ vài phút.

Đó là cảm giác đầu tiên tôi ghi nhận được, thoáng một chút ngạc nhiên. Nếu không có tấm biển hướng dẫn được ghi ở đầu phố, hẳn không ai có thể nhận ra nhà tù này bởi những bức tường thấp cỡ 2m bao quanh, không kiên cố không bề thế như những nhà tù thường thấy, có chăng là những hàng rào kẽm gai được giăng kín ở phía bên ngoài.

Trong sân với thảm cỏ xanh biếc và những hàng cây đại đang trổ một màu hoa trắng tinh khiết tỏa hương thơm ngào ngạt giống như một góc công viên nhỏ nào đó… Nhưng có ngờ đâu, trên 30 năm trước, cũng chính nơi này chứng kiến những cuộc tra tấn, đánh đập hành hạ dã man. Những cây dừa đang trĩu quả là nhân chứng của lối giết người dã man: cầm hai chân của trẻ con quăng đập đầu cho đến chết vào thân cây dừa…

Đất Toul Sleng ngấm máu, là mồ chôn oan nghiệt của biết bao mạng người dân và trẻ em vô tội Campuchia, có cả người Việt Nam, Lào, Ấn Độ, Pakistan, Mỹ, Pháp, Anh, New Zealand, Australia… đã vùi xác nơi đây. Họ nằm lại vĩnh viễn dưới những thảm cỏ xanh biếc ngày hôm nay…

Tôi bước đi chậm chạp, ngực như có một vật gì vô hình đè nặng, muốn ngộp thở khi bước qua từng dãy nhà nơi tra tấn, nơi biệt giam cùng những hình ảnh chân dung những tù nhân được treo la liệt khắp mấy căn phòng.

Chiếc giường sắt, xích sắt, gông cùm, dao quắm, búa tạ, cán cuốc, thuổng, xẻng, lu đựng nước, những sợi dây thừng dùng để tra tấn, giết người hiện diện nơi này…

NS TRẦN MÙI

Xin trích một đoạn trong cuốn sách mang tựa đề: Hành trình qua cánh đồng chết của tác giả Charrithy Him (Campuchia) đã được phát hành trên thế giới thời gian gần đây: “…Nhân danh những đồng bào còn sống của mình và những người đã chết trong cuộc diệt chủng ở Campuchia… nhân dân Việt Nam là cứu tinh cho dân tộc tôi, chính Việt Nam đã nhanh chóng chấm dứt cuộc tàn sát man rợ của kỷ nguyên Khmer đỏ trong khi phần còn lại của thế giới đang che mặt làm ngơ…”.

Và như một lời tri ân sâu sắc nhất gửi đến những linh hồn của các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, tác giả Campuchia khẳng định: “Đất nước và toàn dân tộc ta mãi mãi nhớ đến họ, những người bạn nghĩa tình và tốt bụng, những chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh một cách cao cả cho nghĩa vụ quốc tế sáng ngời chân lý. Mong những người anh hùng mãi yên nghỉ”.

Tin cùng chuyên mục