Một World Cup kỳ lạ

World Cup chuẩn bị khép lại với hai trận đấu cuối cùng để tìm ra được 3 đội bóng đứng đầu thế giới. Một World Cup kỳ lạ, đó là nhận xét đầu tiên của những người đến Nam Phi và cũng là nhận xét cuối cùng của họ.

World Cup chuẩn bị khép lại với hai trận đấu cuối cùng để tìm ra được 3 đội bóng đứng đầu thế giới. Một World Cup kỳ lạ, đó là nhận xét đầu tiên của những người đến Nam Phi và cũng là nhận xét cuối cùng của họ.

Phóng viên Đỗ Hùng báo Thanh Niên, người có thâm niên theo dõi các giải Euro, World Cup đã thốt lên: Đây là World Cup kỳ lạ nhất mà tớ từng đi. Còn với Khánh Sơn, phóng viên của VTC thì cảm thấy bâng khuâng khi gần đến ngày trở về Việt Nam.

Lần đầu tiên ở một kỳ World Cup, số lượng phóng viên Việt Nam tham dự lại đông đảo đến thế. Không đơn thuần là đến để làm việc, họ còn đến để khẳng định mình. Như Đỗ Hùng thừa nhận thẳng thắn với các đồng nghiệp quốc tế khi cho rằng nếu chỉ để đưa thông tin về giải đấu thì chẳng cần phải đến tận Nam Phi mà chỉ cần ở nhà lướt web.

Hoàng Minh - phóng viên VTC - thú thật đôi khi cũng bị lép vế trong những lúc cần “chen vai huých cánh” với các phóng viên cao to hơn để có thể có được những khuôn hình đẹp nhưng không vì thế mà các phóng viên Việt Nam trở nên e ngại hay “tủi thân”. Việc xuất hiện của Hùng cũng như các bạn đồng nghiệp là để chuyển tải những góc nhìn khác, và tất nhiên đây cũng là dịp để khẳng định chuyện tác nghiệp của giới truyền thông Việt Nam đã được nâng lên một bước đáng kể.

Tất nhiên, điều chính yếu của một giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh luôn thu hút người xem từ năm này qua tháng nọ chính là sự bất ngờ. Không chỉ bất ngờ với một Nam Phi lần đầu tiên tổ chức một World Cup tốt đến thế, người ta còn bất ngờ với văn hóa châu Phi, với tiếng kèn vuvuzela đinh tai lẫn quả bóng Jabulani mà theo Nasa nghiên cứu thì nó “tàng hình” với mắt thường ở tốc độ 72 km/giờ trở lên.

Nhưng, trên cả những điều ấy chính là sự bất ngờ từ các kết quả. Hàng loạt những ông lớn của bóng đá thế giới đã phải vắng mặt để trận chung kết còn lại giữa hai đội bóng chưa từng vô địch bao giờ.

Và còn gì bất ngờ bằng, khi ở những kỳ World Cup trước, các cầu thủ luôn là trung tâm của sự kiện, luôn là người nổi tiếng nhất nhưng lần này, danh hiệu ấy lại thuộc về một chú bạch tuộc 4 tuổi đời, 2 tuổi “nghề” đang định cư ở Đức.

Chú bạch tuộc tên Paul được coi như điểm tựa của những người khốn khó bởi theo thống kê, đến thời điểm này nếu bỏ ra 1 bảng Anh để tin vào sự dự đoán của Paul, người ta có thể thu lại 156 bảng Anh. Mỗi “bước chân” của chú giờ được cả thế giới hồi hộp, theo dõi qua thông tin và qua truyền hình trực tiếp.

Xen lẫn trong đó là sự kỳ vọng lẫn thất vọng của đông đảo người hâm mộ. Lần đầu tiên người ta thấy trung tâm cá cược lớn nhất nước Anh, William Hill đã phải cảnh báo các trung tâm nhận cá cược nhỏ rằng “hãy thận trọng và tốt nhất là nên ngừng nhận cược vì số người tin theo “ngài Paul” đang tăng lên đến mức chóng mặt và Paul lại chưa sai từ đầu giải đến giờ”.

Còn gì “lạ lùng” hơn khi ở Đức, ở Argentina, chú bạch tuộc Paul bị coi là “tội đồ” thì ở Tây Ban Nha, các cổ động viên đội bóng xứ Bò tót lại chẳng ngại ngần gọi “Ngài Paul vạn tuế” đúng theo cách gọi của giới truyền thông nước này xưng tụng.

Hôm qua, tờ báo Marca có số lượng người đọc lớn nhất Tây Ban Nha đã “hí hửng” đưa ra trang bìa: “Ngài Paul đã dự đoán chúng ta vô địch” sau khi chú bạch tuộc chọn Tây Ban Nha còn báo Hà Lan thì đưa tin “Chúng ta phải chống lại định mệnh”.

Trận chung kết giữa Tây Ban Nha - Hà Lan sẽ khép lại một giải đấu lạ kỳ. Người ta sẽ lại chờ đợi trái bóng tròn và những điều kỳ lạ xung quanh nó quay trở lại trong 4 năm nữa, tại Brazil… 

TẤT ĐẠT

Tin cùng chuyên mục