Mourinho từ chức hay bị sa thải ?

Có một dấu hiệu bất thường ở Chelsea: Chẳng ai chịu hé răng cho biết liệu Jose Mourinho còn là HLV trưởng ở mùa tới hay không.

Dường như các vị lãnh đạo ở CLB này sẵn sàng chấp nhận mọi chuyện xảy ra trong 6 tháng tới, và có thể Mourinho từ chức, hoặc thậm chí bị sa thải hơn là dẫn dắt Chelsea mùa bóng thứ tư.

Mourinho từ chức hay bị sa thải ? ảnh 1

Giữa Mourinho với các vị lãnh đạo Chelsea lâu nay vẫn tồn tại một mối quan hệ theo dạng đôi bên cùng có lợi. Hiện thời, đã có những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đó đang bị mai một đi.

Đã nhiều lần Mourinho nổi nóng đòi từ chức, ai cũng biết. Nhưng thái độ và cách chịu đựng của CLB trong những lần làm mình làm mẩy ấy đã khác đi.

Lần đầu tiên Mourinho dọa từ chức là ngày Cá tháng Tư năm 2005, tức là mùa giải thứ nhất của ông ta tại Chelsea. Ngày Cá tháng Tư, đương nhiên ai cũng có quyền nói phét một cái cho vui.

Nhưng ban lãnh đạo Chelsea thì không nghĩ là Mourinho đùa giỡn. Nhà tỷ phú Abramovich phải tức tốc bay từ Moscow sang khuyên giải Mourinho tại sân tập của CLB. Abramovich đề nghị triển hạn hợp đồng 3 năm cho Mourinho, lương 5,2 triệu bảng Anh hằng năm.

Sau lần đầu tiên ấy, là vài lần nữa ở mùa giải năm ngoái. Lần nào Chelsea cũng mau chóng phủ nhận chuyện chia tay Mourinho. Nhưng cho đến bây giờ, khi lời đồn đoán về chuyện Inter muốn chiêu mộ Mourinho đang ra rả mấy tuần nay trên các phương tiện truyền thông, khi báo chí Anh tung tin về những vụ hục hặc nội bộ, bỗng nhiên các quan chức lãnh đạo Chelsea im bặt.

Đó là sự lặng thinh bí ẩn và ngay cả khi Mourinho cố pha trò sau trận thắng Macclesfield 6-1 ở Cúp FA hôm 6-1 thì cũng chẳng ai cười được. Ban lãnh đạo Chelsea đã tỏ rõ thái độ không hài lòng sau trận hòa 2-2 hồi tuần trước với Fulham ở Premier League, một trong 3 trận hòa liên tiếp khiến Chelsea bị Manchester United dẫn 6 điểm.

Có nhiều thứ để không hài lòng, chứ không riêng gì khoảng cách 6 điểm ấy. Mourinho lặp đi lặp lại cái điệp khúc não nề về tình hình chấn thương, sự mỏng manh của lực lượng, và đặc biệt là chỉ trích tính bủn xỉn của CLB khiến cho William Gallas ra đi.

Song, một quan chức đã tức tối vạch ra rằng chính Mourinho mới là một trong những nguyên do đầu tiên khiến Gallas bỏ đi nơi khác – ông ta cứ xếp Gallas ở vai trò hậu vệ trái chứ không phải vị trí trung vệ sở trường.

Cá tính của Mourinho cũng là một mối quan ngại. Thái độ hung hăng của ông ta khi chỉ trích tiền vệ Reading Stephen Hunt sau pha va chạm Petr Cech hồi tháng 10 (Cech bị nứt hộp sọ) khiến chính các vị ở Chelsea cũng phải ngán.

Sau đó vài ngày, Mourinho quay sang phê phán khâu cấp cứu ở sân Reading như thể họ là những kẻ coi thường mạng sống con người, trong khi Chelsea đang cố tìm một cách khác để bày tỏ quan điểm sao cho ôn hòa hơn, “ngoại giao” hơn.

Chưa hết, Mourinho thỉnh thoảng lại bỏ họp báo và điều đó khiến nhiều vị ở Chelsea khó chịu bởi họ đang tìm mọi cách gây thiện cảm cho CLB, mở rộng đội ngũ CĐV. Người ta có thể châm chước cho Mourinho khi mọi chuyện còn êm đẹp, khi Chelsea còn đang phơi phới. Khi thành tích thi đấu ở Premier League sa sút, lụn bại, mà lại “chảnh” thì thật khó chấp nhận.

Tất cả những chi tiết ấy phản ánh rằng các vị ở Chelsea không kiểm soát được nhiều cái ở Mourinho. Và ngược lại, cũng có những cái Mourinho không kiểm soát được Chelsea. Ở Manchester United hay ở Arsenal, Sir Alex hoặc Arsenal Wenger đều điều hành, kiểm soát từ cao nhất xuống tới thấp nhất.

Trái lại, ở Chelsea đang hình thành một thế chân vạc. Quyền lực đang có chiều hướng chia làm 3. Giám đốc điều hành Peter Kenyon cùng giám đốc đào tạo trẻ Frank Arnesen cũng đang làm mọi cách để gây ấn tượng với ông chủ Abramovich. Mối quan hệ giữa Mourinho với Kenyon không đến nỗi nào, nhưng với Arnesen thì Mourinho coi thường.

Ngay trong chức trách của Mourinho – quản lý và điều hành đội hình hạng nhất – cũng xảy ra những đối chọi. Lớn nhất là vấn đề chuyển nhượng. Phong cách của Chelsea là ký khống vào tờ ngân phiếu để mua cầu thủ. Ngược lại, mong muốn của Mourinho là phát triển những cầu thủ trẻ khát vọng.

Chelsea bán Gallas sang Arsenal, điều đó vẫn còn đỡ khó chịu hơn 2 cuộc chiêu mộ Shevchenko và Michael Ballack, bởi cho đến giờ này mọi chuyện có vẻ đã rõ ràng: Sheva và Ballack chỉ được giới thiệu với Mourinho chứ không phải là 2 cầu thủ được ký về theo yêu cầu của Mourinho. Cũng giống như trường hợp Wright-Phillips vậy: Có vẻ như giám đốc điều hành Kenyon đã tự tiện thỏa thuận một giá bán cho West Ham trước khi Mourinho có ý kiến.

Cuối cùng, khó khăn đang gia tăng với Mourinho mùa này, vì mối quan hệ xấu đi với nhiều cầu thủ. Từ một chốn riêng tư nào đấy, Shevchenko, Ballack và Arjen Robben đều đã phàn nàn về cách đối đãi của “nhân vật đặc biệt”. Những lời ta thán về sự lạnh nhạt và tính hay áp đặt của Mourinho đã trở nên phổ biến.

Lâu quá hóa nhàm, ngay cả những lần điều chỉnh chiến thuật mang tính quyết định thỉnh thoảng cũng bị xem là không cần thiết. Trước đây dễ mấy ai dám thắc mắc với Mourinho...

Hưng Nguyên (theo báo nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục