(SGGPO). - Chiều 9-4, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp đánh giá việc thực hiện chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) ở cơ sở năm 2015.
Chương trình phối hợp giám sát liên ngành này đã được ký kết, triển khai từ tháng 11-2014. Trong năm 2015, dự kiến mỗi địa phương lựa chọn đề xuất từ 5-7 vụ để thực hiện trợ giúp pháp lý tại cơ sở. Về phía Thanh tra Chính phủ đã đề xuất chọn giám sát các vụ việc KNTC có tính chất phức tạp, kéo dài, vượt cấp, đông người, dễ phát sinh điểm nóng... để tiến hành thực hiện việc giám sát liên ngành. Hội Luật gia Việt Nam cũng đã thực hiện giám sát một số vụ việc KNTC đông người, phức tạp và sẽ tập trung vào hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân.
Từ thực tế triển khai của các cơ quan tham gia Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cho biết sẽ thống nhất sẽ lựa chọn từ 2-3 vụ việc điển hình để xây dựng kế hoạch giám sát cụ thể; ra quyết định thành lập đoàn giám sát liên ngành thực hiện giám sát tại cơ sở vào quý 2-2015. Đây là những vụ việc KNTC có tính chất phức tạp, kéo dài, vượt cấp, đông người, dễ phát sinh điểm nóng.
Theo Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, cần xác định những vụ việc trọng điểm để giám sát, nhất là những vụ việc tồn đọng, kéo dài. Địa phương nào chưa hình thành chương trình phối hợp để giám sát thì phải khẩn trương hoàn thành, chậm nhất tháng 6 phải có.
“Đây là phần việc rất mới, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan. Vì vậy, trước 30-4 phải xong danh sách các vụ KNTC cần giám sát. Các địa phương phải đẩy mạnh quyết liệt công tác tư vấn pháp lý cho người dân. Hiện nay đã có 15 tỉnh thành ký kết chương trình triển khai, phải chọn để tư vấn ít nhất 2-3 vụ việc để tư vấn cho người dân trước khi họ KNTC; tư vấn 2-3 vụ việc đối với các vụ việc đã giải quyết rồi nhưng người dân vẫn chưa đồng thuận”, ông Nguyễn Thiện Nhân lưu ý.
Theo ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, hiện có gần 75% đơn KNTC mà trụ sở tiếp công dân Trung ương nhận được là không đủ điều kiện để xử lý. Chính vì vậy cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn khiếu nại cho người dân. Về lâu dài, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam sẽ hướng dẫn mặt trận các địa phương phối hợp với các địa phương phối hợp với Liên đoàn luật sư Việt Nam, Hội luật gia Việt Nam triển khai tại các địa phương công tác giám sát và nâng cao hiệu quả giải quyết KNTC ở cơ sở.
PHAN THẢO