Ngày 4-3, tại TPHCM, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị nhân rộng và phát triển mô hình Bác sĩ gia đình (BSGĐ) giai đoạn 2016-2020. Dù mô hình BSGĐ được nhận định là dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, nhưng thực tế phát triển mô hình này tại Việt Nam còn khá mù mờ về tiêu chuẩn, tiêu chí, cơ chế, đào tạo, pháp lý, chính sách… Do vậy, mới chỉ có 5/6 tỉnh, thành trên cả nước được thí điểm triển khai từ năm 2013 đến nay.
Khám bệnh tại phòng khám Bác sĩ gia đình tại Bệnh viện Quận 2, TPHCM.
Chưa có nhiều bệnh nhân
Đi đầu triển khai mô hình BSGĐ, đến nay, TPHCM đã có 20/23 bệnh viện (BV) quận/huyện và 136/319 trạm y tế có phòng khám BSGĐ. Đưa vào hoạt động thí điểm từ năm 2013, BV Quận 10 là một trong hai nơi đầu tiên được Sở Y tế TPHCM chọn triển khai mô hình BSGĐ khép kín từ khám, chẩn đoán đến xét nghiệm cận lâm sàng. Hiện mỗi ngày, phòng khám dao động cho khoảng 400-500 người bệnh, chủ yếu diện bảo hiểm y tế (BHYT) và mắc các bệnh lý thông thường. BS Lê Thanh Tùng, Giám đốc BV Quận 10 cho biết: “Mô hình BSGĐ đảm bảo được 2 yếu tố then chốt là liên tục và hệ thống. BV cũng đã hoàn thiện phần mềm cho phép phòng khám BSGĐ có thể khám bệnh và tư vấn từ xa cho bệnh nhân qua Internet”.
Theo Sở Y tế TPHCM, đến nay đã có hàng ngàn lượt khám, điều trị tại các phòng khám BSGĐ trên địa bàn. Tuy nhiên, các phòng khám chỉ chú trọng công tác khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh lý nội khoa mạn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành…). Các hoạt động chuyên môn khác như sơ cứu, cấp cứu, khám chữa bệnh cấp tính chưa được phát huy do số lượng bệnh nhân đến phòng khám BSGĐ còn hạn chế.
Tại Tiền Giang, đến nay có 2 phòng khám BSGĐ đa khoa và 1 phòng khám BSGĐ ở trạm y tế. Ba năm qua, các phòng khám này thực hiện được 1.255 trường hợp cấp cứu, khám chữa bệnh 80.988 lượt bệnh nhân, thực hiện 577 ca thủ thuật, chuyển tuyến trên 620 ca… Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Hùng Vĩ, đại diện Sở Y tế Tiền Giang, hiện chỉ có các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tại phòng khám mới được thanh toán BHYT, các dịch vụ khám chữa bệnh, tư vấn tại nhà chưa được thanh toán BHYT; BSGĐ vẫn còn kiêm nhiệm nên chưa tập trung nhiệm vụ cho phòng khám…
|
Trong khi đó, theo ghi nhận, mô hình BSGĐ vẫn chưa hấp dẫn đối với tư nhân. TPHCM cũng mới thu hút được 2 phòng khám BSGĐ thuộc Phòng khám Đa khoa tư nhân Thành Công (quận Tân Phú) và Phòng khám Đa khoa BSGĐ (quận Bình Thạnh); cùng 2 phòng khám BSGĐ tư nhân độc lập (quận Tân Phú, quận 6). Ở Tiền Giang cũng thành lập được một phòng khám BSGĐ đa khoa Dân An. Theo các chuyên gia y tế, lý do tư nhân chưa tham gia nhiều vì chưa thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; cơ chế thanh toán BHYT còn rườm rà, cơ chế pháp lý chưa rõ ràng. “Nếu có sự cố xảy ra tử vong thì ai chịu? Bác sĩ gia đình có chịu trách nhiệm không?”, bà Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh.
Hệ thống chính trị phải vào cuộc
Nhìn chung, so với nhu cầu người bệnh, lượng khám chữa bệnh tại các phòng khám BSGĐ còn rất thấp. Một mặt, do phòng khám BSGĐ nằm chung tại các trạm y tế phường, xã, vốn không phải là địa chỉ khám chữa bệnh được người dân tin tưởng tìm đến. Phòng khám BSGĐ cũng chưa thu hút bác sĩ do vừa vất vả, vừa ít tiền. Trong khi đó, một trong những vướng mắc cơ bản là đào tạo BSGĐ. Hiện toàn quốc mới đào tạo được hơn 700 BSGĐ nên nhân lực còn quá mỏng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, quy định Thông tư 16/2014/TT-BYT hướng dẫn thí điểm về BSGĐ và phòng khám BSGĐ yêu cầu đào tạo lại chuyên khoa y học gia đình thêm 18 tháng là bất hợp lý. “Bác sĩ đa khoa có chứng chỉ hành nghề rồi, có giấy phép hoạt động phòng khám rồi mà bắt đi học thêm 18 tháng y học gia đình mới cấp thêm giấy phép BSGĐ là phiền hà, lãng phí. Nên chăng chỉ yêu cầu họ học định hướng đôi ba tháng thôi”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói. Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên, đánh giá, muốn thu hút người bệnh, BSGĐ phải giỏi chuyên môn, giá cả phải hợp lý, phục vụ phải chu đáo.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cho rằng, mục tiêu đến năm 2020 phải đạt 80% các tỉnh, thành có mô hình BSGĐ vẫn còn chung chung, chưa có mục tiêu cụ thể. Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu cần có chỉ tiêu cụ thể về số lượng bác sĩ, số phòng khám BSGĐ, số người dân sẽ tham gia khám chữa bệnh tại các phòng khám BSGĐ; phải có lộ trình, đồng bộ các giải pháp, hoàn thiện cơ chế chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Để mô hình được thực hiện thành công, một mình ngành y tế khó có thể làm được mà cần có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương, từ tỉnh, thành phố đến xã, phường. Quan trọng hơn cả là sự quan tâm của Chính phủ với chiến lược phát triển cụ thể. “Không chỉ ngành y tế mà chính phủ, các cấp ủy đảng, chính quyền vào cuộc chứ riêng giám đốc các sở y tế thì chẳng khác gì múa tay trong bị”, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng khẳng định.
|
TƯỜNG LÂM
>> Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng: Cần cụ thể hơn các mục tiêu của mô hình bác sĩ gia đình