
Quyết định 238 của Thủ tướng Chính phủ cho phép nới rộng tỷ lệ sở hữu cổ phần (room) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam có hiệu lực từ 24-10 đã thúc đẩy lực mua chứng khoán tăng mạnh. Tuy nhiên, nhìn chung trong tuần, giá cổ phiếu trên thị trường có dấu hiệu giảm nhẹ và Chỉ số VN-Index đóng cửa vào phiên giao dịch hôm qua 25-10 ở mức 305,11 điểm, giảm 1,98 điểm so thứ ba tuần trước.
Lý giải cho việc giảm giá, một số nhà đầu tư nhận định do kỳ vọng mở room quá lớn gây tâm lý tranh bán cổ phiếu cho nhà ĐTNN, khiến số lượng cổ phiếu bán ra với giá thấp tăng cao. Trong tuần, giao dịch mạnh nhất vẫn là cổ phiếu REE của Công ty Cơ Điện lạnh với hơn 758 ngàn cổ phiếu được khớp lệnh và 1,85 triệu cổ phiếu giao dịch thỏa thuận, chiếm tổng giá trị giao dịch gần 90 tỷ đồng.

Theo dõi diễn biến của thị trường tại Trung tâm giao dịch chứng khoán TPHCM.
Trong số này, có đến 1,82 triệu cổ phiếu REE được chuyển nhượng cho nhà ĐTNN chỉ trong 2 ngày đầu mở room. Giao dịch nổi bật kế tiếp thuộc về chứng chỉ quỹ duy nhất trên thị trường hiện nay của Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam VF1. Với 1,16 triệu chứng chỉ được khớp lệnh và 800 ngàn chứng chỉ giao dịch thỏa thuận đạt tổng giá trị giao dịch trên 20 tỷ đồng, trong đó có 1 triệu chứng chỉ được mua bởi nhà ĐTNN đã chứng tỏ VF1 là một trong những loại chứng khoán được nhà ĐTNN chú ý nhất.
Nhờ nước ngoài mua mạnh, giá VF1 tăng 700 đồng (7%) và đạt mức 10.700 đồng/ccq (ccq: chứng chỉ quỹ), chỉ xếp sau 2 cổ phiếu “quy mô nhỏ” là DPC của Công ty Nhựa Đà Nẵng tăng 2.100 đồng/cp (21%) và TNA của Công ty Thiên Nam tăng 3.700 đồng/cp (14,8%).
DPC tăng giá mạnh do lợi nhuận quý 3 của công ty khá ấn tượng, cao hơn cả 2 quý trước cộng lại và giúp DPC vượt kế hoạch cả năm chỉ sau 9 tháng. Trong khi đó cổ phiếu TNA với giao dịch “nhỏ giọt” của mình (xếp thứ 2… từ dưới lên về khối lượng và giá trị giao dịch) đã âm thầm tăng giá liên tục giữa lúc thị trường chung sôi động nhưng lại giảm giá.
Các cổ phiếu TRI, BBT và MHC là 3 cổ phiếu có lượng chênh lệch mua bán khá cao. Sau chu kỳ tăng “nóng” do ảnh hưởng giao dịch của cổ đông lớn, giá cổ phiếu TRI của Công ty Nước Giải khát Sài Gòn giảm liên tiếp từ mức 33.400 xuống chỉ còn 29.500 đồng/cp.
Trong khi đó, cổ phiếu BBT của Công ty bông Bạch Tuyết và cổ phiếu MHC của Công ty hàng hải Hà Nội với lợi nhuận quý 3 không khả quan đã khiến các nhà đầu tư không ngại ngùng tung bán cổ phiếu và làm giá BBT giảm 700 đồng/cp (5,51%), MHC giảm 900 đồng (3,67%).
Bất ngờ hơn, với lợi nhuận quý 3 trên 16 tỷ đồng, cổ phiếu NKD của Công ty Kinh Đô lại bị giảm giá 3.000 đồng/cp (4,92%) trước ngày giao dịch không hưởng quyền cổ đông cho đợt phát hành 2 triệu cổ phiếu sắp tới.
Đối với Công ty Hóa An, dù công bố lãi sau thuế 9 tháng 28,33 tỷ đồng, bằng 164,73% kế hoạch cả năm nhưng cổ phiếu DHA vẫn không tránh khỏi cảnh giảm giá 1.200 đồng/cp (2,55%) khiến không ít nhà đầu tư ngạc nhiên: liệu thị trường có đang đánh giá đúng giá trị các loại cổ phiếu hay chỉ kỳ vọng quá cao vào những cổ phiếu được nhà ĐTNN quan tâm?
TƯỜNG CHÂU