Mua bán vũ khí: Gậy ông đập lưng ông

Lợi nhuận kếch xù từ các hợp đồng buôn bán vũ khí đã khiến nhiều chính phủ phương Tây vội vàng bán cho nhiều nước Trung Đông và Bắc Phi. Chính vũ khí của họ đã được dùng trong các cuộc xung đột nội bộ và cả việc chống lại lực lượng của chính phương Tây như ở Libya.
Mua bán vũ khí: Gậy ông đập lưng ông

Lợi nhuận kếch xù từ các hợp đồng buôn bán vũ khí đã khiến nhiều chính phủ phương Tây vội vàng bán cho nhiều nước Trung Đông và Bắc Phi. Chính vũ khí của họ đã được dùng trong các cuộc xung đột nội bộ và cả việc chống lại lực lượng của chính phương Tây như ở Libya.

  • Lợi nhuận kếch xù

Anh đã xuất khẩu trên 100 triệu EUR (142 triệu USD) vũ khí tới Libya trong vòng 2 năm qua. Gần đây, trước tình hình bạo động lan rộng, Anh đã phải hoãn 50 hợp đồng xuất khẩu vũ khí cho Libya và Bahrain. Các hợp đồng bán vũ khí cho khối nước Arab thật sự là món béo bở lên tới nhiều tỷ USD. Nhiều chính phủ Arab đã trở thành đối tác vũ khí lớn của phương Tây. Họ sẵn sàng mua tất cả các những loại vũ khí nào phương Tây bán.

Tạp chí Spiegel dẫn nguồn từ Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho rằng, mặc dù kém xa so với Mỹ và Nga, Đức đã trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 trên thế giới trong những năm gần đây. Theo thống kê của SIPRI, trong vòng 10 năm qua, ngành công nghiệp quốc phòng của Đức đã gia tăng thị phần gấp đôi trong thị trường vũ khí toàn cầu, chiếm 11%.

Năm 2008, tổng giá trị của các hợp đồng bán vũ khí gần 6 tỷ EUR. Đức cung cấp chủ yếu các mặt hàng công nghệ cao như tàu ngầm và thiết bị điện tử quân dụng. Các tập đoàn quân sự lớn của Đức như EADS, Rheinmetall và Heckler & Koch thuê đến 80.000 nhân công.

Năm 2005, sau khi EU bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Libya, các công ty của Đức đã bán nhiều xe vượt mọi địa hình với giá 300.000 EUR. Nhưng đến năm 2006, đơn đặt hàng các thiết bị quân sự nhảy vọt lên gần 2 triệu USD. Năm 2007 lên 24 triệu EUR, 2008 là 4 triệu EUR và năm 2009 lên 53 triệu EUR.

Nhưng có lẽ Ý là nước bán vũ khí cho chính phủ Gaddafi nhiều nhất so với các nước khác ở châu Âu. Trị giá số vũ khí mà Rome bán cho Libya trong năm 2009 gần 110 triệu EUR, hầu hết là trực thăng.

  • Gậy ông đập lưng ông

Trong các loại vũ khí của Anh bán cho Libya, đáng chú ý có các loại súng bắn tỉa mà nhiều người cho là nó được quân đội Libya sử dụng trong cuộc chiến với lực lượng đối lập và cả phương Tây. Hơn thế nữa, theo tạp chí Spiegel của Đức, lực lượng cảnh sát của Libya do chính Anh đào tạo. Nhà lãnh đạo Gaddafi mua của Đức các thiết bị phóng tên lửa chống tăng hiện đại (Milan 3 - hợp tác giữa Đức và Pháp), trực thăng, công nghệ truyền thông, công nghệ radar sử dụng trong vùng chiến và các máy phát sóng radio đa âm tầng.

Tất nhiên, những loại vũ khí này đang được sử dụng để chống lại các cuộc không kích của phương Tây tại Libya. Trong khi đó, lực lượng nổi dậy ở miền Đông Libya vốn tổ chức kém lại chỉ liên lạc bằng điện thoại di động. Điều đó giải thích lý do vì sao mạng điện thoại của họ bị tê liệt ngay trước các cuộc tấn công của quân đội ông Gaddafi.

Súng phóng tên lửa chống tăng Milan đã được Đức bán cho chính phủ Libya của nhà lãnh đạo M.Gaddafi.

Súng phóng tên lửa chống tăng Milan đã được Đức bán cho chính phủ Libya của nhà lãnh đạo M.Gaddafi.

Trong chuyến viếng thăm các nước Arab mới đây của Thủ tướng Anh David Cameron, người ta thấy đoàn tháp tùng có nhiều quan chức cấp cao trong ngành công nghiệp vũ khí. Tại Kuwait, mục đích chính của Thủ tướng Anh là bán vũ khí cho nước này. Khi bị các nghị sĩ đặt vấn đề, ông Cameron tự bào chữa rằng, chính phủ Anh luôn đòi hỏi những khách hàng mua vũ khí cam kết không sử dụng chúng để chống lại người dân trong bất kỳ tình huống nào.

Sau chuyến thăm của hoàng tử Anh Andrew tới Yemen cuối năm 2009, Anh đã bán cho chính phủ của Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh đạn và áo giáp trị giá 183.000 EUR. Dĩ nhiên lực lượng an ninh của ông Saleh đã sử dụng số đạn và áo giáp này trong các cuộc trấn áp người biểu tình, làm gần 100 người chết.

Trong năm 2009 Mỹ bán tổng cộng 40 tỷ USD tiền vũ khí, trong đó khoảng 7,3 tỷ USD là các hợp đồng bán vũ khí cho một số nước Trung Đông và Bắc Phi. Vũ khí của Mỹ đã xuất hiện trong quân đội của các nước Hợp tác vùng Vịnh tới Bahrain để trấn áp lực lượng nổi dậy tại đây. 

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục