Mùa cá Nam đang chính vụ, nhưng hàng ngàn ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài những lý do chính như sản lượng thấp hơn so với mọi năm, giá cả thấp, thương lái tìm đủ mọi lý do để ép giá… thì việc đỏ mặt tìm lao động biển trong mùa này vẫn là bài toán khó.
Sản lượng giảm rõ rệt
Đến thời điểm hiện tại, vụ cá Nam 2016 đã chính thức bắt đầu. Tuy vậy, nhiều ngư dân tỉnh Bình Thuận cho rằng, sản lượng hải sản không dồi dào như mọi năm, giá cá bấp bênh nên các chuyến đi biển dài ngày thường không đạt hiệu quả.
Nhiều tàu cá phải nằm bờ do đánh bắt kém hiệu quả và thiếu lao động. Ảnh: VĂN NGỌC
Tại cảng cá Phan Thiết (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), tàu thuyền nằm bờ khá nhiều, cảng cá cũng ít nhộn nhịp. Vừa trở về sau chuyến đi biển dài ngày cùng 22 bạn thuyền, lão ngư Phan Văn Tới (phường Bình Hưng, TP Phan Thiết) than thở: “Vụ cá Nam năm nay thật lạ, sản lượng ít mà giá thì cũng không cao. Chúng tôi đi biển gần 22 ngày, sau khi bán hết số hải sản, mỗi người chia nhau được 2-3 triệu đồng”. Theo ông Nguyễn Hùng Hoàng, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng - phường có số lượng ngư dân lớn nhất TP Phan Thiết - thì năm nay thời tiết thuận lợi, nhưng sản lượng đánh bắt không được như mong muốn. Nhiều tàu thuyền ra khơi trở về chỉ đủ chi phí cho chuyến đi, nên ngư dân gặp nhiều khó khăn.
Tuy bước vào vụ cá chính, nghề mành mực, mành chụp, câu mực… vốn được xem là thế mạnh của ngư dân Bình Thuận nhưng sản lượng năm nay vẫn sụt giảm mạnh so với mọi năm. “Trước đây, mỗi chuyến ra khơi để vây bắt mực thường rất hiệu quả, nhưng năm nay không rõ nguyên nhân vì sao các luồng mực hầu như hiếm khi xuất hiện. Chuyến này trở về chúng tôi dường như không có thu nhập gì vì sản lượng đánh bắt chỉ bằng 1/4 năm ngoái”, ngư dân Lê Văn Phú (ngụ phường Hưng Long, TP Phan Thiết) buồn bã nói. Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, ngư trường khai thác mùa cá Nam năm nay nhìn chung thuận lợi hơn các năm, nguồn lợi cá nổi xuất hiện tập trung tại các vùng lộng và ven bờ, tuy nhiên cá chưa xuất hiện nhiều nên hiệu quả đánh bắt không cao. Sản lượng khai thác hải sản 6 tháng đầu năm toàn tỉnh ước đạt 42,1% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015. Chia sẻ khó khăn với ngư dân, tỉnh Bình Thuận đang tích cực tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngư dân tiếp cận được nguồn vốn vay đóng mới và nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Nguy cơ thiếu lao động biển
Tại cảng cá Hòn Rớ (Nha Trang, Khánh Hòa) - cảng cá lớn nhất Nam Trung bộ - cũng thể hiện được mùa cá buồn khi tàu thuyền cập bến vào bờ chỉ lèo tèo vài chiếc mỗi ngày, chủ yếu là tàu cá đánh bắt gần bờ. Nhiều ngư dân cho biết, sản lượng cá giảm mạnh so với mọi năm nên tâm trạng ai cũng âu lo. Từ đầu mùa đến nay, các loại cá đánh bắt được chỉ là cá chù, cá nục, cá ngừ loại nhỏ… nên giá trị kinh tế mang lại không cao, không xứng danh là chính vụ cá Nam như thường năm. Hiệu quả đi biển thấp, tàu cá nằm bờ vài ngày là chuyện bình thường xưa nay. Nhưng tàu cá nằm bờ trong chính vụ cá Nam là điều đáng lo lắng, bởi một năm đi biển người dân kỳ vọng rất lớn vào mùa cá này. Ngư dân đưa ra nhiều nguyên nhân, nhưng cái chính cũng là vì sản lượng đánh bắt không hiệu quả, lao động biển có thu nhập bấp bênh nên chuyện bỏ biển, chủ tàu thiếu lao động đang báo động.
Theo phản ánh, nếu tàu nằm bờ quá lâu, ngư dân phải chịu rất nhiều phí tổn từ việc tàu nằm bờ, nhất là tình trạng tàu cá xuống cấp nhanh chóng. Thế nhưng, một vấn đề nan giải hiện nay ngư dân cần tháo gỡ là tìm kiếm lao động biển ngày càng gian nan. Ông Nguyễn Văn Bảy, chủ một tàu cá xã Phước Đồng, TP Nha Trang cho biết, đáng ra lịch trình tàu cá của ông đã xuất bến cách đây 3 ngày, nhưng phải đợi thêm 2 ngày nữa mới có thể vươn khơi do chưa kiếm đủ lao động. Tình cảnh này không hiếm gặp ở các miền biển, khi có rất nhiều lao động đã bỏ nghề, lên cạn làm thuê. Anh Phan Văn Vũ, một lao động biển có cả chục năm kinh nghiệm cho biết, mấy năm nay lao động biển quá bấp bênh nên anh và nhiều bạn bè kéo nhau đi phụ hồ tại các công trình. Do các công trình tại Nha Trang đang xây dựng nhiều nên việc làm thường xuyên, ít nguy hiểm nhưng cho thu nhập gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần đi biển hiện nay.
Theo ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa, thực tế lao động biển bỏ biển đang rất phổ biến do mùa vụ thất thu, sản phẩm làm ra bị ép giá, thao túng đủ bề. “Nếu không có những chính sách linh hoạt, tình trạng lao động bỏ biển sẽ còn tăng và rất nguy cho ngành thủy sản”, ông Lăng nói.
Đến thời điểm hiện tại, ngư dân Bình Thuận đã ký được hợp đồng tín dụng đóng mới 45 con tàu theo Nghị định 67 với tổng số tiền được vay 288 tỷ đồng, đã giải ngân 235 tỷ đồng. Số tàu đóng bằng tiền vay theo Nghị định 67 đã hạ thủy của Bình Thuận là 36 chiếc, đứng đầu các địa phương trong cả nước. |
VĂN NGỌC - NGUYỄN TIẾN