“Mùa” đại hội cổ đông ngân hàng dần rõ những cặp đôi “về cùng nhà”

Hiện đã có hơn 10 ngân hàng (NH) tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2015. Các NH còn lại vẫn tiếp tục tổ chức ĐHCĐ từ nay đến tháng 5-2015. Nổi cộm trên nghị trường ĐHCĐ ngân hàng ngoài các thông tin về sáp nhập, nhân sự… còn có các vấn đề về quyền lợi hậu sáp nhập cũng đã làm “nóng” mùa cổ đông năm nay, trong đó cổ tức là đề tài được quan tâm nhiều nhất.
“Mùa” đại hội cổ đông ngân hàng dần rõ những cặp đôi “về cùng nhà”

Hiện đã có hơn 10 ngân hàng (NH) tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2015. Các NH còn lại vẫn tiếp tục tổ chức ĐHCĐ từ nay đến tháng 5-2015. Nổi cộm trên nghị trường ĐHCĐ ngân hàng ngoài các thông tin về sáp nhập, nhân sự… còn có các vấn đề về quyền lợi hậu sáp nhập cũng đã làm “nóng” mùa cổ đông năm nay, trong đó cổ tức là đề tài được quan tâm nhiều nhất.

Đại hội cổ đông ở nhiều ngân hàng đang diễn ra và “nóng” việc sáp nhập (Ảnh: Giao dịch tại Eximbank). Ảnh:CAO THĂNG

“Nóng” sáp nhập

Thông qua ĐHCĐ, các tên tuổi ngân hàng sáp nhập với nhau đã dần lộ diện. Cụ thể, hai ngân hàng Sacombank và Southern Bank đã được cổ đông thông qua việc “về cùng nhà”; đồng thời khẳng định, hiện chỉ chờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt phương án sáp nhập để tiến hành trong quý 2-2015.

Tương tự, BIDV và MHB cũng đã trình cổ đông chính thức về thương vụ sáp nhập trong ĐHCĐ vừa qua. Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Trần Bắc Hà, khẳng định đây là  thương vụ sáp nhập nhanh nhất, đúng chuẩn và sẽ hoàn tất vào 25-5. Trong khi đó, VietinBank và PGBank cũng đã trình cổ đông thông qua đề án sáp nhập PGBank vào VietinBank. Lãnh đạo Vietinbank khẳng định trong 3 tháng đầu năm 2015 đã hoàn thành hợp đồng sáp nhập, dự kiến NHNN sẽ chấp thuận về nguyên tắc vào tháng 6 tới.

Riêng thương vụ sáp nhập NamA Bank và Eximbank hiện vẫn chưa ngã ngũ. Tại ĐHCĐ NamA Bank vào ngày 17-4, ngân hàng này không nêu rõ tên ngân hàng sẽ sáp nhập mà chỉ cho biết đang trong lộ trình tự tái cấu trúc.

Trả lời chất vấn của cổ đông về việc 2 nhân sự cao cấp của NamA Bank từ nhiệm để ứng cử vào thành viên HĐQT của Eximbank, có phải là bước đầu để tiến tới việc 2 ngân hàng này về “cùng một nhà” hay không, thay mặt chủ tọa đoàn của đại hội, ông Trần Ngô Phúc Vũ - nguyên Chủ tịch HĐQT NamA Bank cho biết, việc thay đổi nhân sự cấp cao của các ngân hàng là chuyện bình thường. Bản thân ông được sự tín nhiệm của nhà đầu tư và ngân hàng bạn đề cử vào HĐQT Eximbank nên ông mạnh dạn nhận nhiệm vụ mới. Về việc NamA Bank có sáp nhập với Eximbank hay không, ông Vũ cho rằng các cổ đông sẽ quyết định chuyện đó trong thời gian tới.

Ngoài ra, những cặp đôi khác như MaritimeBank - MDBank, DongA Bank - ABBank… cũng sẽ trình cổ đông để thông qua việc sáp nhập trong những ngày tới.

Lo hậu sáp nhập

Những thương vụ sáp nhập đã dần rõ nên vấn đề quyền lợi sau sáp nhập cũng đang “nóng”. Trong đó, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu sau sáp nhập luôn  được cổ đông và nhà đầu tư quan tâm. Cụ thể, về cặp đôi Sacombank - Southern Bank, sau khi ông Trầm Bê - Cố vấn cao cấp của Southern Bank kiêm Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank, thông tin tại ĐHCĐ của Southern Bank về tỷ lệ hoán đổi dự kiến là 1: 0,75 (tức 1 cổ phiếu Southern Bank đổi 0,75 cổ phiếu Sacombank) đã làm “dậy sóng” tại ĐHCĐ của Sacombank được tổ chức sau đó.

Các cổ đông Sacombank cho rằng, giá cổ phiếu Sacombank trên thị trường hiện nay hơn 17.800 đồng/cổ phiếu, trong khi giá cổ phiếu của Southern Bank chỉ hơn 5.000 đồng thì tỷ lệ hoán đổi 1: 0,75 quá thiệt thòi cho cổ đông Sacombank. Các cổ đông cũng bày tỏ sự lo lắng sau sáp nhập, cổ phiếu Sacombank trên thị trường sẽ bị kéo lùi vì Southern Bank trong nhiều năm qua không chia cổ tức, trong khi Sacombank đang có lợi nhuận tốt, cổ tức cao… Giải đáp vấn đề này, HĐQT của Sacombank chỉ cho biết, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa Sacombank và Southern Bank vẫn đang trong giai đoạn xin ý kiến của NHNN nên chưa chốt lại. Đối với BIDV - MHB, mặc dù không có trong tài liệu ĐHCĐ nhưng ông Trần Bắc Hà cho biết, MHB sẽ sáp nhập vào BIDV với tỷ lệ hoán đổi 1:1.

 Tại ĐHCĐ của MHB, 100% cổ đông cũng nhất trí với tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu 1:1 sau khi sáp nhập với BIDV, nhưng các cổ đông của BIDV vẫn rất “lăn tăn” tỷ lệ này. Lãnh đạo BIDV lý giải: Hoạt động của MHB đang rất ổn định, mặc dù không bằng BIDV nhưng giá trị sổ sách về giá cổ phiếu của 2 ngân hàng tương đương nhau nên hai bên quyết định “giữ nguyên trạng và hoán đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1”.

Tại ĐHCĐ, Vietinbank cũng cho biết sau sáp nhập với PGBank, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1: 0,9 (tức 1 cổ phiếu PGBank đổi 0,9 cổ phiếu VietinBank). Tỷ lệ này được đánh giá là “món hời” với cổ đông của ngân hàng nhỏ hơn như PGBank.

Cổ tức lại tiếp tục làm nóng mùa ĐHCĐ ngân hàng năm nay.  Lợi nhuận thấp, nợ xấu tăng cao, trích lập dự phòng cao… nên đã “nuốt” bớt cổ tức của các cổ đông ngân hàng, thậm chí có một số ngân hàng đã “lờ” luôn cổ tức gây nhiều bức xúc cho cổ đông. Theo NHNN, trong 19 ngân hàng thương mại có trụ sở tại TPHCM, đến nay mới có 5 ngân hàng thương mại được duyệt chia cổ tức, gồm: ACB 7%, NamA Bank 4%, HDBank 5%, Saigonbank 3,5% và Bản Việt 1,5%. Trên phạm vi cả nước, hiện rất ít ngân hàng được NHNN chấp thuận cho chia cổ tức ở mức 8% - 9%.

NHUNG NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục