Mùa đông không lạnh

Mùa đông lạnh giá đã không giúp cho quan hệ giữa Mátxcơva và Kiev giảm nhiệt khi ngày 9-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov chuẩn bị thủ tục kiện Ukraine ra tòa nếu trong vòng 10 ngày sau thời hạn chót (20-12) mà Kiev không trả được khoản nợ 3 tỷ USD.

Quyết định mang tính quyết liệt của Tổng thống Putin được đưa ra sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ngày 8-12, đã thông qua những quy định thay đổi chính sách cho vay, cho phép Ukraine “xù” nợ công của Nga mà không bị trừng phạt.

Việc IMF điều chỉnh các chính sách cho vay, cho phép Kiev vỡ nợ hợp pháp khoản vay 3 tỷ USD của Nga trước thời hạn chót thanh toán nợ đã diễn ra đúng như dự báo của Mátxcơva trước đó. Sự thay đổi này được thông qua bất chấp trước đó, IMF cảnh báo nếu Ukraine không đạt thỏa thuận với các chủ nợ về cơ cấu lại nợ trước cuối tháng 10 thì điều đó có thể đe dọa chương trình cho vay 17,5 tỷ USD kéo dài 4 năm mà định chế tài chính này nhất trí dành cho Ukraine hồi tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, mọi sự thay đổi có tính toán khi mà ngày đáo hạn nợ của Ukraine (20-12) gần với ngày mà thỏa thuận Ukraine là thành viên liên kết của Liên minh châu Âu chuẩn bị có hiệu lực (31-12). Chính thỏa thuận này cách đây 2 năm là nguồn cơn làm bùng phát “khủng hoảng Ukraine”. Kiev giờ đây vẫn có thể tiếp tục nhận được tiền của IMF mà không cần chấp nhận một thỏa thuận tái cơ cấu nợ theo điều kiện do Tổng thống Putin đưa ra. Theo đó, Ukraine có thể trả cho Nga mỗi năm 1 tỷ USD, từ năm 2016, nếu có sự đảm bảo của Mỹ, Liên minh châu Âu hoặc các tổ chức tài chính khác. Tuy nhiên, Mỹ đã từ chối và IMF “ra tay”.

Các quan chức Nga chỉ trích IMF can thiệp vào tình hình Ukraine vì “động cơ chính trị”, gây tổn thương cho Nga. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, ngày 9-12, tuyên bố có thể chính quyền Ukraine sẽ không trả lại khoản nợ 3 tỷ USD mà Mátxcơva cung cấp cho Kiev dưới thời cựu Tổng thống Viktor Yanukovich hồi năm 2013, vì “họ là bọn kẻ cắp” và lưu ý rằng sự lộng hành này có sự dung túng của IMF. Mátxcơva khẳng định, nợ của Ukraine trước Nga là vấn đề chủ quyền và nhất thiết phải hoàn trả. Nhưng IMF từ lâu vẫn giữ lập trường không rõ ràng, rằng khoản nợ này có thể không phải là nợ chủ quyền.

Sự thay đổi chính sách cho vay của IMF trong bối cảnh khoản nợ mà Ukraine vay của Nga sắp đáo hạn đã đặt ra câu hỏi về tính công bằng của thể chế tài chính có trụ sở tại Mỹ này. Sự thay đổi này còn đồng nghĩa với việc IMF có thể sẽ tiếp tục chương trình cứu trợ khổng lồ cho Kiev. Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngày 7-12 tuyên bố, khoản tài chính của IMF hiện không còn cần thiết đối với gói cứu trợ quốc tế cho Hy Lạp do các yêu sách về cho vay và lập trường “không mang tính xây dựng” của chủ nợ quốc tế này. Ông Alexis Tsipras cho rằng, lập trường của IMF thiếu tính xây dựng, đồng thời chỉ trích định chế tài chính này đưa ra yêu sách về cải tổ hà khắc. Hồi tháng 7, Athens đã đạt thỏa thuận về gói cứu trợ trị giá 86 tỷ EUR với thời hạn 3 năm từ các đối tác trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tuy nhiên tới nay, IMF vẫn chưa giải ngân cho chương trình cứu trợ này và thông báo có thể sẽ quyết định việc này vào tháng 1-2016.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục