Mùa EURO đầu tiên

ĐỨC DŨNG 

Nếu thế hệ các đàn anh, đàn chú hồi EURO 1984, EURO 1988 phải xem các đội tuyển châu Âu thi đấu qua chiếc tivi đen trắng thỉnh thoảng bị nổi… “hột mè” thì đến kỳ EURO 1992, bọn nhóc như tụi tôi đã được theo dõi giải đấu lớn nhất châu Âu bằng tivi màu “nội địa”.

Đấy cũng là giải đấu mà những chú lính chì Đan Mạch đã viết nên câu chuyện cổ tích Andersen trên đất Thụy Điển. Đáng nói là Đan Mạch bấy giờ không phải đường đường chính chính dự giải mà là đội đóng thế vai cho Nam Tư đang bị nội chiến (và bị UEFA tước quyền tham gia), nhưng vẫn tạo ra bất ngờ lớn khi giành ngôi vô địch.

EURO 1992 là giải đấu mà những chú lính chì Đan Mạch viết nên câu chuyện cổ tích Andersen trên đất Thụy Điển.

Hồi ấy, bình luận viên Vũ Huy Hùng được nhiều người yêu thích nhờ chất giọng trầm ấm. Ông cũng chính là cha đẻ của câu nói từ tivi đi vào cuộc sống: “Nếu không có gì thay đổi và điều kiện kỹ thuật cho phép…”. Còn về chiếc tivi của nhà tôi, mang tiếng là tivi màu nhưng vì thuộc diện “nội địa” nên thỉnh thoảng vẫn đỏng đảnh như thường. Nhẹ thì hình ảnh không được trong cho lắm do nổi “hột mè” đầy màn hình, còn nặng hơn thì tắt ngúm mà đôi lúc ba tôi phải đập “đùng… đùng…” vào hông nó thì mới có tín hiệu lại.

Cũng có hôm cả nhà và những người hàng xóm đang xem hơn hiệp 1 bỗng dưng tivi dở chứng, còn ba tôi vì lỡ tay nên mất tín hiệu luôn. Thật ra thì vẫn có vài nhà khác sở hữu tivi nhưng là trắng đen nên xem không sướng lắm, chưa kể hai đội bóng thi đấu mà mặc đồ xanh – đỏ hay trắng – vàng “nguyên con” thì chịu chết. Cho nên ngày đó phần đông tập trung ở nhà tôi mỗi khi có trận đấu, nhưng tới lúc tối đen màn hình thì cả thảy lại chạy sang nhà khác xem tiếp.

EURO 1992 cũng là lúc nhiều tờ tin nhanh ra đời với “Tin nhanh World Cup” của Báo Tuổi Trẻ, Thể thao Văn hóa… biết đánh trúng vào nhu cầu của người hâm mộ nên hốt bạc. Trong khi ở EURO 2016 này chẳng mấy tờ báo dám ra “Tin nhanh” vì đang là thời của báo hình và báo mạng nên “thượng đế” cần gì thì lên mạng tìm kiếm sẽ có ngay.

Đã 24 năm trôi qua mà tôi vẫn nhớ như in những Henrik Larsen, John Jensen, Peter Schmeichel, Brian Laudrup… EURO năm đó có điều thú vị nữa là lần đầu tiên tên của cầu thủ được in sau lưng áo đấu của mình. Nó khác trước đó trên lưng áo cầu thủ không ghi tên, phần ngực cũng chẳng có số áo nên khổ sở cho những người xem không biết gì về ngoại ngữ như bọn nhóc tôi ngày đó.

Ở EURO 1992 tôi còn có thêm kỷ niệm đáng nhớ khác. Đó là giải đấu mà Hà Lan với những Bergkamp, Gullit, Koeman, Rijkaard, Van Basten… thua tức tưởi sau loạt sút luân lưu ở trận bán kết với Đan Mạch. Vài người bạn của ba tôi trêu đùa: “Vậy là đợt này Hà Lan bay của anh “bay” luôn rồi đó”. Ba tôi không nói gì mà chỉ cười, nhưng đôi mắt của ông không giấu được nỗi buồn của một người hâm mộ khi phải chứng kiến đội bóng mình yêu thích bị đá văng.

Và rồi tình yêu bóng đá lớn lên cùng tôi như thế. Nó đến từ ánh mắt buồn của ba do Hà Lan gục ngã và cả những đứa trẻ trong xóm có mơ ước lớn lên sẽ trở thành… cầu thủ. Đến bây giờ, dù đã lớn và đang xem đến kỳ EURO thứ 7 nhưng EURO 1992 vẫn luôn đáng nhớ và có nhiều kỷ niệm nhất trong tôi.    

ĐỨC DŨNG 

Tin cùng chuyên mục