Không chỉ là ngày lễ lớn của Phật giáo, ngày lễ Vu Lan đã trở thành dịp báo hiếu, tưởng nhớ công ơn sinh thành và nhắc nhớ chúng ta biết trân trọng những gì mình đang có.
Vu Lan nhớ mẹ
Theo truyền thống, cứ mỗi dịp Vu Lan đến, không ai bảo ai, những người làm con đều đi chùa cầu phúc cho cha mẹ. Người hân hoan cài hoa hồng đỏ, người ngậm ngùi mang trên ngực áo đóa hoa trắng... Cũng vào ngày này, những kỷ niệm xúc động về cha mẹ từ thời thơ ấu lại tràn về với nhiều xúc cảm. Anh Đào Mạnh Long (Hải Phòng) nhớ lại: “Tôi vẫn nhớ những ngày trời nắng đổ lửa, bóng dáng mẹ tôi mỏng manh, liêu xiêu trên chiếc xe đạp đã bong tróc sơn màu xanh mạ. Khi tôi lên 5 - 6 tuổi, mẹ tôi đi từ làng này sang làng khác mua tro bếp về bán lại cho một cơ sở sản xuất phân bón. Sau này, nhà nhà dùng bếp than mẹ lại chuyển sang mua đồng nát, rồi đi buôn chuối ở chợ. Gần 10 năm rồi, mẹ vẫn lọc cọc chiếc xe đạp cũ bươn chải để chăm lo cho tôi khôn lớn từng ngày”.
Tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi vẽ tranh “Thần tượng trong mắt tôi”
Mẹ là một phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng mẹ rất vĩ đại. Anh Nguyễn Long (TPHCM) chia sẻ: “Mùa Vu Lan này là lần thứ 10 tôi cài bông hoa trắng. Mỗi lần về quê, ký ức về mẹ lại tràn về với hình ảnh mẹ gầy gò, lam lũ. Ngày trước nhà tôi nghèo, cha đi bộ đội, mẹ trở thành trụ cột gia đình, mẹ cực nhọc cả đời nhưng chẳng bao giờ chúng tôi nghe một tiếng thở than.”
Người con nào cũng thấy mẹ của mình tuyệt vời. Chị Hoàng Mai Quyên nhớ lại, ngày nhỏ một lần tình cờ thấy mẹ gội đầu bằng bàn cào mủ, chị ngạc nhiên hỏi sao mẹ sao không dùng tay để gội đầu, mẹ chị cười bình thản: “Mẹ đâu còn móng tay, mẹ gội bằng bàn cào quen rồi”. Thời chiến tranh, ba chị ra chiến trường, bàn tay mẹ vừa chăm nom vừa dắt díu các con đi tản cư, vừa tham gia đào hầm tránh đạn. Khi thời bình, bàn tay mẹ lại cuốc đất trồng khoai, cắt rau nuôi heo.
Chị Thu Hà (quận 3, TPHCM) bồi hồi: “Mẹ tôi học không nhiều nhưng bà thường dạy dỗ chúng tôi bằng những câu ca dao, tục ngữ. Qua mẹ, máu văn nghệ cũng âm ỉ trong mấy chị em tôi. Có mẹ, chúng tôi học được tính hóm hỉnh và hài hước, học được cách đối xử chân tình và nồng nhiệt với cuộc đời. Có mẹ, chị em tôi có được niềm đam mê may, thêu, đan lát. Có mẹ, chúng tôi biết sống trải lòng với mọi người và nồng nhiệt với cuộc đời… Với gia đình, mẹ luôn công bằng và là tâm điểm để giải quyết mọi bất đồng…”.
Dịp để nói lời yêu thương
Tuy luôn gần gũi, gắn bó với cha mẹ suốt thời thơ ấu đến khi trưởng thành, nhưng ít ai có thể dễ dàng nói ra được những lời yêu thương. Vu Lan đã trở thành một trong những dịp để con cái thể hiện lòng hiếu kính đối với các bậc sinh thành. Dịp này, nhóm làm phim trẻ Lukas Movie vừa cho ra mắt một phim ngắn xúc động với tên gọi Bố mẹ ơi! Ôm một cái, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Tên phim được nhóm lấy cảm hứng từ quyển sách rất xúc động về tình cảm gia đình là Mẹ, thơm một cái! của nhà văn Đài Loan (Trung Quốc) Cửu Bả Đao. Mở đầu phim là câu hỏi: “Lần gần đây nhất bạn ôm bố mẹ là từ khi nào?” và nội dung xoay quanh một nhóm bạn trẻ cùng tham gia thử thách đoán xem ai là bố hoặc mẹ của mình qua một cái ôm. Bộ phim chuyển đến giới trẻ một thông điệp về tình yêu thương.
Một hoạt động khác là cuộc thi vẽ tranh chibi “Thần tượng trong mắt tôi” của Trường VTC Academy, đã tổng kết trao giải sau hơn 1 tháng phát động. Ban tổ chức nhận được 69 tác phẩm dự thi từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước và sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ với những tác phẩm chứa đựng những tình cảm dành cho những người thân, gia đình thể hiện qua những nét vẽ ngộ nghĩnh, đáng yêu. Anh Nguyễn Quốc Phong, Giám đốc Marketing VTC Academy HCM, chia sẻ: “Khác với dự đoán của ban tổ chức, các bạn không vẽ các ngôi sao Kpop hay Âu - Mỹ mà chính là những thần tượng rất đỗi đời thường bên cạnh các bạn, đó là đấng sinh thành. Rất nhiều bạn còn bày tỏ vẽ tranh chibi để tặng cha mẹ nhân dịp lễ Vu Lan như một lời cảm ơn cha mẹ đã sinh ra mình. Chúng tôi rất xúc động trước những chia sẻ, bày tỏ tình cảm của các bạn với người thân, gia đình thông qua các bức vẽ đáng yêu”.
NHƯ Ý