Bình luận

“Mùa xuân” ở Munich

Hội nghị An ninh lần thứ 45 tại Munich (Đức) đã khép lại với niềm hy vọng vào những năm sắp tới, tất cả nhờ “liều thuốc” êm dịu là bài diễn văn của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày cuối của hội nghị. Cho dù còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết thật thỏa đáng nhưng hầu hết 350 thành viên tham dự hội nghị đều cảm thấy hài lòng.

“Chúng tôi sẽ tiến hành đối thoại, chúng tôi sẽ lắng nghe một cách chân thành và tham khảo ý kiến”- lời lẽ trên của Phó Tổng thống Mỹ thể hiện rất rõ sự đoạn tuyệt với chính sách đơn phương của chính quyền Bush trước đây. Thái độ ôn hòa của Washington là sự thay đổi mà Liên minh châu Âu (EU) mong chờ, đón đợi. Cho dù mới là trên một bài phát biểu, châu Âu đã có phản ứng tích cực.

Gert Weisskirchen, phát ngôn viên đảng Dân chủ-Xã hội chịu trách nhiệm chính sách đối ngoại của Đức, nhận định đã đến lúc người Mỹ nhận ra cần phải lắng nghe chăm chú các ý kiến của người dân châu Âu, cũng như cần nhận thấy nên phối hợp làm việc với các đồng minh châu Âu để cùng thảo luận về các mối đe dọa chung, tiến tới cùng hành động.

Nhìn lại một chút về quá khứ, trong suốt hai nhiệm kỳ, ông Bush đã không ít lần làm phật lòng các đồng minh châu Âu khi phát động cuộc chiến ở Iraq, không tham gia vào tiến trình cắt giảm khí thải toàn cầu, quá cứng nhắc với vấn đề hạt nhân của Iran, thờ ơ với vai trò bảo trợ tiến trình hòa bình Trung Đông…

Đặc biệt, cuộc chiến với Iraq từng khiến nội bộ EU bị rạn nứt nghiêm trọng giữa một bên là Pháp, Đức phản đối gay gắt còn bên kia là Anh cùng những nước thành viên mới ủng hộ Mỹ. Còn đó rất nhiều người châu Âu nghĩ rằng ông Bush chỉ thích làm rối tung mọi thứ thay vì cố gắng giải quyết chúng theo những cách thức thông thường.

Khi đưa ra lời mời tới Hội nghị Munich, cựu Đại sứ Đức tại Mỹ Wolfgang Ischinger hồi đầu tháng 2 đã cảnh báo Washington là không một quan chức cấp cao của Mỹ nào thay đổi được nước Đức.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu đã kỳ vọng rất nhiều vào chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Biden kể từ khi ông tuyên thệ hồi tháng 1 thông qua việc lãnh đạo 3 nước lớn nhất trong EU là Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Ngoại trưởng Anh David Milliband được EU giao trọng trách gặp ông Biden.

Đây cũng là thế hệ lãnh đạo mới của EU biết ứng xử linh hoạt, biết thay đổi, trở nên thực tế hơn trong quan hệ với Mỹ để đạt được những lợi ích thiết thực về kinh tế, chính trị thay vì giữ khư khư những bất đồng trước kia.

Ít nhất, người châu Âu đã có cái mà họ muốn nghe: lời hứa cộng tác với bờ kia Đại Tây Dương. Nhưng được lắng nghe còn có nghĩa là tham dự vào các quyết định và phải có trách nhiệm với nhau. “Mùa xuân 2009 đã bắt đầu vào cuối tuần ở Munich”- nhà ngoại giao Wolfgang Ischinger đã không ngần ngại dẫn ý thơ khi tổng kết lại những thành quả hội nghị đã đạt được.

Tuy vậy, mùa xuân có bắt đầu bằng những tín hiệu tươi đẹp chăng nữa vẫn không loại trừ khả năng có thể có những trận dông bão sau này. 40 năm sau ngày ra đời trong bối cảnh Chiến tranh lạnh, liệu Hội nghị Munich 2009 có đi vào lịch sử như khởi đầu của một kỷ nguyên mà trong đó quan hệ quốc tế dựa trên mối quan hệ đa cực và hợp tác?

Lê Vân

Tin cùng chuyên mục