Mục tiêu còn dang dở

Sau 7 năm đàm phán, Hiệp định Thương mại đầu tư toàn diện (CAI) giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) một lần nữa lại gặp trở ngại sau khi Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu từ chối việc xem xét. 

Theo EP, Trung Quốc phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào các chính khách EU trước khi xem xét CAI. Nếu Trung Quốc không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, thỏa thuận không được phê chuẩn.

Ủy viên EU phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton cảnh báo, hiệp định này thực tế mới chỉ là ý định chứ chưa phải là một thỏa thuận và có thể sẽ phải mất thời gian dài đàm phán nữa trước khi trở thành hiện thực. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis tuyên bố, tiến độ phê duyệt CAI sẽ phụ thuộc vào định hướng phát triển của quan hệ Trung Quốc - châu Âu.

Với những thông điệp này, có vẻ như EC đang muốn sử dụng CAI làm đòn bẩy kêu gọi Trung Quốc thay đổi thái độ. Nhiều ý kiến trong EU cho rằng, Brussels cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nếu muốn điều chỉnh các chiến lược toàn cầu của Bắc Kinh cũng như thiết lập mối quan hệ song phương bình đẳng. Với những chính trị gia ủng hộ quan điểm này, các tuyên bố công khai cứng rắn là những công cụ cần thiết.

EU và Trung Quốc đã hoàn tất CAI vào tháng 12-2020. Tuy nhiên, CAI vẫn cần được 27 quốc gia thành viên EU cũng như EP phê chuẩn. CAI được kỳ vọng tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp châu Âu làm ăn tại Trung Quốc. Văn kiện này cũng sẽ giúp tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các công ty châu Âu và cấm ép buộc chuyển giao công nghệ, trong đó bao gồm cả những cam kết về chống biến đổi khí hậu và đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Tuy nhiên, ngay từ đầu, triển vọng của CAI đã không mấy sáng sủa. Vào cuối năm ngoái, giới quan sát từng dự báo hiệp định này không dễ thông qua khi hai bên còn có ý định “ăn miếng trả miếng”. Từ tháng 3 năm nay, EU đã áp trừng phạt lên các cá nhân và tổ chức tại Trung Quốc với lý do nhân quyền.

Đáp lại, Trung Quốc công bố quyết định trừng phạt 10 cá nhân trong EU. Cùng thời điểm hoàn tất những bước cuối cùng của CAI, Brussels cũng bắt đầu thúc đẩy các biện pháp bảo hộ mới nhằm vào Trung Quốc. Gần nhất là dự luật hạn chế các công ty nước ngoài mua tài sản vừa được công bố đầu tháng này, chủ yếu ngăn chặn doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp châu Âu trong bối cảnh đại dịch. Những động thái trên cho thấy, quyết định trước đó của EU về việc chấp thuận các điều khoản của CAI chủ yếu mang ý nghĩa biểu tượng.

Tin cùng chuyên mục