Thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến đầu tháng 9-2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,5 tỷ USD. Trong đó có 1.797 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 9,7 tỷ USD.
Đây là tín hiệu tích cực cho môi trường đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, ở góc độ khác, nhiều hiệp hội doanh nghiệp trong nước quan ngại rằng, sự dịch chuyển ồ ạt của doanh nghiệp nước ngoài, nhất là doanh nghiệp ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đang bị các thị trường xuất khẩu áp thuế chống bán phá giá mức cao, sẽ đẩy doanh nghiệp trong nước vào nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá tương tự.
Đơn cử với mặt hàng thép chống gỉ và thép cán nguội, ngay khi Hoa Kỳ phát hiện doanh nghiệp Đài Loan và Hàn Quốc dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam thì lập tức, thép nước ta xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ bị áp mức thuế chống bán phá giá lên 456%. Lý giải nguyên nhân này, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho rằng, doanh nghiệp Hàn Quốc và Đài Loan đầu tư sản xuất thép tại Việt Nam nhưng quy trình sản xuất không đóng góp nhiều cho giá trị của sản phẩm. Trước đó, ngành thép của Đài Loan và Hàn Quốc đã bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá với mức rất cao, hơn 400%.
Một yếu tố khác, dấu hiệu để các thị trường xuất khẩu tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là do có sự gia tăng đột biến kim ngạch nhập khẩu của các mặt hàng nào đó từ nước xuất khẩu. Do vậy, với sự gia tăng đột biến đầu tư ngoại vào Việt Nam như hiện nay sẽ kéo theo gia tăng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đó trong thời gian tới. Và nếu vậy thì việc áp thuế bán phá giá cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam là khó tránh khỏi.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết thêm, chỉ tính riêng trong lĩnh vực dệt may, đã có 19,286 tỷ USD được các nhà đầu tư nước ngoài rót vào ngành này. Trong đó, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công, Trung Quốc và Bristish Virgin Islands có mức đầu tư cao, trên 1 tỷ USD. Gần đây, ngay sau khi Việt Nam ký kết thành công Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhiều doanh nghiệp dệt may của Nhật Bản, Hàn Quốc, Italy, Đức và Thái Lan tăng cường đổ mạnh đầu tư vào Việt Nam. Sự thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này giúp bù đắp sự thiếu hụt trong chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất cho doanh nghiệp trong nước nhưng ngược lại làm tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu ngành trong thời gian tới. Điều này sẽ đặt ngành dệt may trước nguy cơ bị các thị trường nhập khẩu điều tra và áp thuế chống bán phá giá.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiệu ứng domino sẽ áp dụng trên nhiều thị trường xuất khẩu khác, gây thiệt hại nặng nề cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Hiện các thị trường nhập khẩu khác như ASEAN, châu Âu, Australia, Canada… cũng lần lượt điều tra và áp hàng loạt mức thuế chống bán phá giá sản phẩm thép, sơ sợi, thủy sản, nhựa, gỗ, dệt may… xuất khẩu từ Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu đồng loạt nhiều thị trường nhập khẩu áp thuế chống bán phá giá lên các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam thì hệ quả sẽ rất nặng nề.
Do vậy, để ngăn chặn nguy cơ trên, các cơ quan chức năng cần có những rào cản, chọn lọc cụ thể loại hình và doanh nghiệp nước ngoài trong quá trình thu hút đầu tư. Theo đó, hạn chế những doanh nghiệp ngoại chỉ đầu tư gia công các công đoạn cơ bản nhằm đánh tráo xuất xứ và tận dụng lợi thế Hiệp định thương mại tự do. Đồng thời ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực Việt Nam đang cần như công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ chế biến, trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm, logistics, trang thiết bị y tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng kết cấu hạ tầng và các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ sinh học, vật liệu mới, điện - điện tử… Việc thu hút chọn lọc những doanh nghiệp không những ngăn chặn nguy cơ các nước tiến hành phòng vệ thương mại, mà còn giúp dẫn dắt chuỗi cung ứng trong nước phát triển, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm. Qua đó, từng bước củng cố nội lực, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gia nhập ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và mở rộng bền vững thị phần trên thị trường xuất khẩu.