Mười tám thôn vườn trầu - Trầu có còn xanh?

Gắn bó với đất, với người
Mười tám thôn vườn trầu - Trầu có còn xanh?

Nhắc đến Hóc Môn, hầu như ai cũng nhớ ngay đến địa danh 18 thôn vườn trầu nổi tiếng. Những vườn trầu ở đây lưu danh không chỉ vì là nơi xuất xứ của nghề trồng trầu - loại thổ sản đặc trưng có tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh - mà còn gắn với những dấu ấn lịch sử của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược. Những ngày cuối tháng 10, trở lại xứ trầu Bà Điểm, chúng tôi không khỏi chạnh lòng bởi những vườn trầu bạt ngàn khi xưa giờ đây đã bị thu hẹp.

18 thôn vườn trầu đang dần mai một.

18 thôn vườn trầu đang dần mai một.

Gắn bó với đất, với người

Sách Gia Định thành thông chí của tác giả Trịnh Hoài Đức trong phần nói về trấn Phiên An có viết: “Mười tám thôn vườn trầu hình thành do quá trình di dân đầu thế kỷ XVII. Trong quá trình mưu sinh lập nghiệp từ 1698 - 1731, nông dân đã lập ra 6 thôn đầu tiên gồm Tân Thới Nhứt, Tân Thới Nhì, Tân Thới Trung (nay là xã Tân Xuân), Tân Thới Tam (nay là Thới Tam Thôn), Thuận Kiều và Xuân Thới Tây.

Riêng thôn Tân Thới Nhứt, nay là xã Bà Điểm - là một trong 6 thôn đầu tiên của 18 thôn vườn trầu. Cho đến năm 1802, phát triển thêm 12 thôn nữa và trở thành khu dân cư trù phú, chuyên canh và cung cấp trầu cho khắp vùng Nam kỳ lục tỉnh”.

Bí thư chi bộ ấp Hậu Lân, xã Bà Điểm, ông Mai Công Tài nhớ lại, suốt một thời gian dài ở đây, nhà nào cũng trồng trầu và trầu trở thành nguồn thu nhập chính nuôi sống người dân. Nhiều hộ dân cất được cái nhà, mua sắm tiện nghi là nhờ trầu, nuôi con ăn học đến dựng vợ gả chồng cũng nhờ trầu. Những năm kháng chiến chống Pháp, giai đoạn 1936 - 1939, các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai... được người dân nơi đây nuôi giấu, che chở. Tháng 11-1939, Hội nghị Trung ương Đảng lần VI cũng diễn ra tại đây.

Thế nhưng, từ khoảng năm 1990 trở lại đây, do tốc độ đô thị hóa nhanh, trồng trầu chăm sóc cực, vốn đầu tư nặng, giá cả bấp bênh nên nghề trồng trầu không còn là lựa chọn ưu tiên của người dân. Những vườn trầu xanh bất tận ngày nào giờ đã dần thu hẹp, manh mún. “Chưa có con số thống kê cụ thể nhưng toàn xã Bà Điểm bây giờ diện tích trồng trầu chỉ còn rải rác chừng 3 - 5ha mà thôi”, ông Tài nói.

Mai này còn lại mấy thôn?

Cùng tâm tư như ông Tài là Phó Chủ tịch UBND xã Bà Điểm Nguyễn Phước Thành. Ông Thành cho biết, 7 hộ dân trong xã đã chuyển sang mô hình trồng phong lan, phần đông còn lại bỏ vườn trầu chuyển sang xây phòng trọ cho thuê. Toàn xã hiện có 818 hộ kinh doanh phòng trọ.

“Giữ lại vườn trầu, giữ nét văn hóa trầu cau là giữ lại truyền thống của người và vùng đất lịch sử 18 thôn vườn trầu - gắn liền với quá trình hình thành và phát triển trên 300 năm qua của Sài Gòn - TPHCM. Đây là điều mà địa phương chúng tôi rất trăn trở. Mấy năm trước, nghe nói UBND TP đầu tư xây dựng dự án Khu du lịch văn hóa 18 thôn vườn trầu nơi đây bà con ai cũng phấn khởi. Nhưng mãi đến giờ, chúng tôi chưa nghe thêm thông tin gì về dự án này”, ông Thành tâm sự.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Ngàn, 76 tuổi, ở ấp Hậu Lân xã Bà Điểm lúc vợ chồng ông đang hái, xếp trầu để chuẩn bị cho phiên chợ sáng. Từ nhỏ đã gắn bó với vườn trầu do người cha để lại, ông Ngàn bày tỏ: “Lúc trước, vườn trầu của tôi có 1.500 - 2.000 nọc trầu nhưng giờ chỉ còn lại 650 nọc. Rất mong nhà nước có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân gầy dựng lại vườn trầu, giữ lại nét văn hóa dân tộc. Chứ nếu cái đà này, năm ba năm nữa không biết các con tôi có còn giữ nổi được trầu không?”.

Ông Ngàn tính toán, đầu tư cho 1.000 nọc trầu hiện nay chi phí khoảng 30 triệu đồng, trong khi nguồn cây làm nọc tốt nhất cho trầu (trước giờ bà con vẫn dùng cây sú vẹt, ở huyện Cần Giờ) giờ hầu như rất khan hiếm. Chưa kể, thị trường đầu ra cho trầu nay đã thu hẹp khá nhiều, hầu như chỉ phục vụ cho dịp cưới hỏi, giỗ chạp, cúng kiến và số người ăn trầu giờ cũng không còn nhiều như trước.

Trước kia, trầu Bà Điểm còn xuất ngoại sang các nước Đài Loan – Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc nhưng những năm gần đây thị trường này cũng không còn; giá trầu thì lại bấp bênh, bình quân chỉ từ 20.000 - 30.000 đồng/kg.

Địa danh 18 thôn vườn trầu lịch sử mai này có còn và còn lại được mấy thôn? Câu hỏi ấy cứ vương vấn mãi trong lòng chúng tôi khi chia tay xứ trầu Bà Điểm…

Minh An

Tin cùng chuyên mục