Trong 2 ngày 13 và 14-10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc gặp theo công thức 2+2 với hai người đồng cấp Australia là Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne và Ngoại trưởng Julie Bishop tại thành phố Boston, Mỹ để thảo luận về việc mở rộng hợp tác ở biển Đông, cũng như khẳng định cam kết đảm bảo quyền tự do hàng hải ở vùng biển này.
Kêu gọi không hành động đơn phương
Hãng Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết, Australia và Mỹ đều muốn duy trì và làm mới lại kiến trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ sẽ đưa máy bay, tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép và biển Đông không là ngoại lệ. Ông Carter cũng cho biết đây không phải là cam kết của riêng Mỹ, mà còn được các nước như Nhật, Philippines, Ấn Độ và Việt Nam chia sẻ.
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho biết, Washington và Canberra cùng chung quan điểm về tranh chấp “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên không hành động đơn phương, không hành động làm căng thẳng leo thang”. Bà Bishop thể hiện sự ủng hộ với các nguyên tắc tự do đi lại trên biển và tự do bay trên không. Bà nhấn mạnh về việc tiếp tục phối hợp áp dụng các nguyên tắc đó với tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.
Một trong những công trình bồi lấp trái phép của Trung Quốc ở biển Đông
Trước đó, ngày 13-10, Bộ Ngoại giao Philippines đã bày tỏ sự ủng hộ kế hoạch của Mỹ triển khai một tàu hải quân tới gần đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên biển Đông. Theo bộ trên, kế hoạch của Mỹ triển khai một tàu hải quân tới khu vực cách các đảo nhân tạo 22km sẽ “phù hợp với luật pháp quốc tế và một trật tự dựa trên các luật định đối với khu vực”.
Học giả Việt Nam diễn thuyết về biển Đông ở New Zealand
Theo TTXVN, Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng và an ninh thuộc Trường Đại học Massey tổ chức buổi diễn thuyết về “Tình hình căng thẳng tại biển Đông” dưới góc nhìn của học giả Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Trường Đại học Massey, một trong những trường đại học hàng đầu của New Zealand, mời đại diện của Học viện Ngoại giao Việt Nam tham dự và thuyết trình về tình hình biển Đông tại New Zealand.
Buổi diễn thuyết do Tiến sĩ Nguyễn Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biển Đông, Học viện Ngoại giao, trình bày tập trung vào các vấn đề chính như nguồn gốc lịch sử của vấn đề, cập nhật thông tin và hình ảnh gần đây về những diễn biến, nguyên nhân, tác động của tình hình căng thẳng tại biển Đông và triển vọng của việc quản lý và giải quyết các tranh chấp tại biển Đông. Theo Tiến sĩ Nguyễn Lan Anh, trong bối cảnh tình hình biển Đông căng thẳng và có nhiều biến động như hiện nay, để đảm bảo lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, tự do hàng không ở biển Đông, các bên liên quan cần nỗ lực kiềm chế, không thực hiện các chính sách đơn phương làm thay đổi nguyên trạng tại biển Đông. Các hành động như bắt giữ trái phép tàu cá của Việt Nam, đơn phương áp đặt các quy định pháp luật về nghề cá tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hạ đặt trái phép giàn khoan nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, các hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn tại biển Đông… không những trái với luật pháp quốc tế mà còn làm gia tăng nghi kỵ và làm phức tạp thêm tình hình, thậm chí có thể dẫn đến xung đột. Cần thiết phải tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), thương lượng thực chất về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), thúc đẩy hợp tác trong các diễn đàn, các cơ chế đa phương hiện có mà ASEAN đóng vai trò trung tâm như ARF, ADMM, ADMM+, EAS..., làm rõ các yêu sách tại biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế.
VIỆT ANH (tổng hợp)